Hơn 800 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Những ngày giáp Tết các mặt hàng tiêu dùng tại Đà Nẵng đã bắt đầu tăng nhiệt. Lường trước được nguồn cầu sẽ tăng đột biến, các ngành chức năng của thành phố đã triển khai những giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường. Thực tế cho thấy, các mặt hàng có sự biến động về giá chủ yếu là rau xanh, củ, quả do ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó, các chương trình bình ổn thị trường được thực hiện ở các nhà bán lẻ lớn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 25-30%, số còn lại chủ yếu qua kênh bán lẻ truyền thống nên giá hàng hóa thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.
Trong số các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết thì rau xanh chính là nỗi lo tăng giá
lớn nhất của người dân Đà Nẵng. (Ảnh:KS)
Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng, để giải quyết tình trạng này, Đà Nẵng đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng để đưa nguồn nông sản sạch về thị trường Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng kêu gọi một số Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước có mối quan hệ gắn bó thường xuyên tăng cường nguồn hàng về Đà Nẵng; động viên các doanh nghiệp duy trì với nhà cung cấp để điều chỉnh mức độ tăng, giảm những ngành hàng có sức tiêu thụ lớn vào dịp Tết.
“Ngay từ rất sớm, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn để chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết, với tổng giá trị gần 154 tỷ đồng. Các hộ kinh doanh tại 08 chợ lớn của thành phố như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Đầu mối nông sản Hòa Cường…cũng chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết ước khoảng 150 tỷ đồng. Giá trị dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của hệ thống cửa hàng trên các tuyến phố kinh doanh khoảng 500 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị dự trữ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2017 của thành phố Đà Nẵng là hơn 800 tỷ đồng”, ông Kha cho biết.
Sở Công Thương đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng chỉ định một số doanh nghiệp tham gia dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết. Trong đó, Công ty TNHH Đắc Vinh (đơn vị tổ chức bán thịt heo bình ổn giá từ năm 2008 đến nay) sẽ được mua dự trữ nguồn hàng tương ứng với 35 tấn thịt heo thành phẩm phục vụ nhân dân tại 13 điểm bán tập trung cố định và 2 xe bán hàng lưu động tại khu đông dân cư và theo sự điều động của UBND thành phố, với giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10% - 15% từ ngày 22/01 đến ngày 27/01/2017.
Những ngày tới, Công ty TNHH Dịch vụ siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cũng sẽ đưa hàng về bán tại trung tâm hai xã miền núi (xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). Theo đó, mỗi địa điểm tổ chức 1 chuyến xe lưu động về phục vụ các mặt hàng tiêu dùng Tết như: bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, đường kính, bột ngọt, mì ăn liền, đồ hộp các loại, quần áo... Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng tổ chức 2 phiên chợ Tết phục vụ công nhân tại hai khu công nghiệp Hòa Cầm và An Đồn.
Nhìn chung, hàng hóa dự trữ, chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 từ phía các doanh nghiệp và thương nhân trên địa bàn thành phố khá đa dạng và phong phú về chủng loại. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ điều động bổ sung và cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân.
Kiên quyết xử lý vi phạm trước, trong và sau Tết
Với vai trò là Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố, Sở Công thương đã cùng các ngành thành viên có kế hoạch phối hợp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Trong đó, Sở đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, buôn bán, lưu thông các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như: thịt gia súc, gia cầm, bánh, kẹo, trái cây các loại, rượu, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...; kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố; ngăn chặn và xử lý nghiêm các sản phẩm hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; các hành vi đầu cơ gây mất ổn định thị trường.
Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp để đáp ứng
nhu cầu sắm Tết của người dân. (Ảnh: KS)
Sở Công thương cũng chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra liên ngành đối việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh các sản phẩm động vật theo chỉ đạo của UBND thành phố; tập trung kiểm tra, kiểm soát về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi Trung tâm thương mại, siêu thị và kể cả các hộ kinh doanh bán lẻ.
“Thông qua quá trình kiểm tra, chúng tôi quán triệt phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về buôn lậu, đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường; phạt thật nặng những trường hợp đầu cơ hàng hóa để trục lợi, tăng giá bất hợp lý. Bên cạnh đó, nếu người dân phát hiện điều gì về bất thường liên quan đến thị trường, hãy báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Tất cả những việc này đều nhằm mục đích đưa đến một cái Tết cổ truyền đầy đủ, vui tươi và hạnh phúc cho nhân dân Đà Nẵng”, ông Phan Văn Kha nhấn mạnh.
Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn cho biết, để quảng bá hàng Việt trước làn sóng hàng hóa nước ngoài tràn vào thị trường nội địa, các hệ thống bán lẻ sẽ đóng vai trò cầu nối thông tin từ phía nhà sản xuất tới khách hàng. Trong đó, hàng hóa phục vụ Tết năm nay tại một số chuỗi cửa hàng đã đến trên 90% là hàng Việt. Theo Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị Intimex Đà Nẵng, thông qua những đợt kết nối cung - cầu do UBND thành phố Đà Nẵng và Sở Công thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã tìm được nhà cung cấp có uy tín và bảo đảm chất lượng trong nước. Điều này sẽ góp phần tăng giá trị hàng hóa “made in Việt Nam” trong dịp Tết nói riêng và chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thời gian tới nói chung./.