Đà Nẵng: Ưu tiên cung ứng điện cho nông thôn, miền núi và đột phá trong đầu tư các dự án thuỷ điện

Thứ sáu, 16/04/2010 11:05
Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) (trước đây là Công ty Điện lực 3- Vừa chuyển đổi tháng 4/2010), xác định công tác điện nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng các địa phương, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Dự án đưa điện về 120 xã nông thôn giai đoạn 1998-1999 với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng là các dự án đầu tiên EVNCPC triển khai thực hiện theo mô hình “Chủ đầu tư trực tiếp quản lý, điều hành dự án”. Các dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình và đưa vào sử dụng.

Đến nay, EVNCPC đã thực hiện thành công dự án năng lượng nông thôn I (REI), dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới có tổng vốn đầu tư hơn 767 tỷ đồng, đưa điện về 249 xã và cụm xã, cấp điện cho hơn 65 ngàn hộ đồng bào 10 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Để thực hiện được mục tiêu này, các đơn vị đã xây dựng 4.918 km đường dây trung - hạ áp, 1.360 trạm biến áp (TBA) tổng dung lượng 53.209 kVA. Đây là dự án có quy mô lớn lại được triển khai trên địa bàn rộng, hầu hết các xã ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện địa hình thi công núi cao cách trở, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt thủ tục đầu tư của tổ chức cho vay. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 năm từ 2001-2004, toàn bộ dự án đã hoàn thành, bảo đảm kế hoạch đề ra, được EVN, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao. Các công trình đưa điện về các xã đặc biệt khó khăn sử dụng vốn tự có của ngành điện như công trình đường dây và TBA 35 kV Vĩnh Điện - Nam Phước, TBA Trung gian 35 kV Đức Phổ - Sa Huỳnh, các công trình quà tặng của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào các xã A Dơi - Pa Tầng (Quảng Trị), Ngân Thủy (Quảng Bình), công trình đưa điện về 10 xã vùng cao, vùng căn cứ cách mạng khu vực Trà Bui - Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; các công trình cấp điện các xã Trà Xinh, Trà Thanh (Quảng Ngãi); Măng Bút, Ngọc Linh, Mường Hoong, Ngọc Tem, Đăk Ring, Mô Rai (Kon Tum); Ia Khai, Ia Ga, Yang Nam, Kon Pne (Gia Lai), công trình cấp điện cho 73 buôn làng vùng sâu, vùng xa 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông được triển khai đúng kế hoạch được giao. Đến nay, EVNCPC đã quản lý cung ứng điện với 99,2% xã đã có điện, 95% số hộ nông thôn, miền núi có điện.

Hiện nay, công ty tập trung đẩy nhanh tiến độ một số dự án lớn khác nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đưa điện đến 100% các xã, thôn của địa bàn miền Trung- Tây Nguyên như: Dự án năng lượng nông thôn II (REII) phần trung áp có tổng vốn đầu tư gần 440 tỷ đồng, thực hiện ở 241 xã thuộc các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, thời gian thực hiện 2005-2011. Đến nay đã hoàn thành đóng điện 121 xã. Đặc biệt, đang tích cực triển khai dự án cấp điện cho 852 thôn - buôn 4 tỉnh Tây Nguyên từ vốn ngân sách và của ngành điện để cấp điện cho 70.600 hộ dân với tổng vốn đầu tư 1.122 tỷ đồng.

Đến nay, ngoài 5 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành là Drây Hlinh 2 (16MW- Đăk Lăk), Định Bình (6,6MW- Bình Định), H’Chan (16MW- Gia Lai), Ea Krông Rou (28MW- Khánh Hòa), Khe Diên (9MW - Quảng Nam) có tổng công suất lắp máy 71,6 MW với sản lượng bình quân hằng năm 365 triệu kWh, doanh thu gần 240 tỷ đồng, EVNCPC còn đang trực tiếp đầu tư hoặc góp vốn đầu tư một số công trình khác chuẩn bị đưa vào phát điện trong đầu quý 2-2010 này như thủy điện Krông H’Năng, công suất 64 MW, điện lượng 247,7 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 1.569,2 tỷ đồng; thủy điện Đăk Pône, công suất 15,6 MW, điện lượng 69,1 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 325,67 tỷ đồng; thủy điện H Mun 16 MW, điện lượng 60 triệu kWh/ năm. Riêng thủy điện A Lưới công suất 170 MW, điện lượng 686,5 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 3.283 tỷ đồng đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng.

Mỗi dự án thủy điện đều có hồ chứa và khi công trình thủy điện vận hành sẽ có một số tác động tích cực tới môi trường tự nhiên và kinh tế-xã hội trong khu vực, bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho vùng đồng bằng phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường sinh thái tốt hơn và có thể áp dụng các mô hình đầu tư du lịch sinh thái. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện còn mang lại những lợi ích về điện năng, hệ thống cơ sở hạ tầng mới, có chất lượng hơn cho nhân dân địa phương. Những điều kiện thuận lợi này sẽ kích thích các ngành công nghiệp cũng như tiểu thủ công nghiệp trong khu vực phát triển.

Hiện EVNCPC tiếp tục triển khai một số dự án khác, như thủy điện A Roàng công suất 7,2 MW, điện lượng 28,41 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 143,350 tỷ đồng; thủy điện Đăk Pring công suất 8,0 MW, điện lượng 33,19 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 194,42 tỷ đồng; Đak Rông 1 công suất 12 MW, điện lượng 42,92 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư (dự kiến) 285,92 tỷ đồng…

Định hướng là đầu tư trực tiếp các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn đối với những dự án lớn, Tổng Công ty sẽ góp vốn đầu tư. Đây là chiến lược đầu tư phù hợp với quy mô của đơn vị, bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Có thể nói rằng, với chiến lược đầu tư của mình, EVNCPC không chỉ thực hiện tốt những nhiệm vụ chính của ngành điện mà còn thể hiện được tầm nhìn của một nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy điện./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực