Năm 2018, du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam đề về đích
bằng những con số ấn tượng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng vừa cho biết, trong năm 2018, Đà Nẵng đã đón gần 3 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại đây, tăng 23,3% so với năm 2017 và đạt 106,5% kế hoạch của năm.
Riêng trong dịp tết Kỷ Hợi này, ông Bình ước tính có khoảng 332.465 lượt khách du lịch, tham quan TP, tăng 12% so Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, khách quốc tế là 62.629 lượt người, tăng 23% so cùng kỳ năm trước.
Lý do lượng khách đến với Đà Nẵng tăng nhiều so với trước, ông Bình cho rằng, lượng khách quốc tế tăng bởi Tết Kỷ Hợi cũng là mùa du lịch của khách Đông Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc…Đặc biệt, trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Đà Nẵng có thêm một số đường bay quốc tế trực tiếp mới mở như Incheon - Đà Nẵng, Busan - Đà Nẵng, Daegu - Đà Nẵng, Oska - Đà Nẵng, Bangkok - Đà Nẵng, Doha - Đà Nẵng…Từ đó đã góp phần tăng lượng khách quốc tế đến với thành phố, đồng thời với việc mở các đường bay mới này đã tạo điều kiện cho du khách tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đi tham quan du lịch các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, từ 31/1/2019 vừa qua, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã khai trương đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ với tần suất 7 chuyến/tuần. Đường bay mới này đã góp phần thu hút lượng khách từ miền Nam ra Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, qua đó đã góp phần nâng lượng khách nội địa đến với thành phố trong dịp Tết Kỷ Hợi lên gần 170 nghìn lượt, tăng 3% so cùng kỳ năm 2018.
Phát huy những kết quả đã đạt được, theo Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình thì, kế hoạch của ngành Du lịch Đà Nẵng trong năm 2019 đặt mục tiêu đạt được 8,19 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch 27.400 tỷ đồng (tăng 13,9% so với ước thực hiện năm 2018). “Để đạt được mục tiêu này, Sở Du lịch thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Trong đó, sở sẽ xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch gồm các lĩnh vực cơ sở lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu điểm du lịch, vận chuyển, mua sắm, giải trí... để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, theo quy luật thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, hiện ngành Du lịch TP.Đà Nẵng cũng đang trong quá trình hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để đảm bảo cho quy hoạch này đi đúng quỹ đạo đặt ra, thành phố sẽ thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng (sức chứa) để đảm bảo phát triển du lịch bền vững”- ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, với lợi thế từ biển, từ năm 2019 này, Đà Nẵng sẽ tập trung phát huy du lịch biển, xem đây là lợi thế đặc trưng của thành phố. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đang đề xuất với lãnh đạo thành phố để hình thành dịch vụ du lịch đường biển tại Bán đảo Sơn Trà; nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để đề xuất sản phẩm, dịch vụ mới tại bãi biển. Cạnh đó, các điểm dừng chân, tuyến điểm du lịch, phương án quản lý khách tại Bán đảo Sơn Trà cũng sẽ được toàn ngành tiếp tục hoàn thiện gắn với việc kiện toàn, mở rộng phát triển các tour, tuyến đường thủy nội địa và du lịch đường sông.
Du khách tham quan Đà Nẵng trong những ngày tết Kỷ Hợi vừa qua.
Trong khi đó, với tỉnh Quảng Nam- địa phương lân cận với Đà Nẵng, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh này thì, trong năm 2018, tổng lượt khách đến tham quan, lưu trú trên địa bàn ước đạt 6,5 triệu lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,78 triệu lượt, tăng 36,58%; khách nội địa ước đạt 2,79 triệu lượt, tăng 5,33%.
Đánh giá về thị trường khách du lịch đến với Quảng Nam tăng mạnh trong năm qua, Sở VH-TT&DL cho biết, có 10 thị trường khách quốc tế lưu trú nhiều nhất tại địa phương gồm: Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật, Hà Lan, Tây Ban Nha. Trong đó, khách từ Hàn Quốc tăng 45,63%, Tây Ban Nha tăng 40%, Hà Lan tăng 17%, Đức tăng 14%, Anh tăng 10% so với năm 2017.
Với những chuyển biến tích cực trên, doanh thu từ tham quan, lưu trú năm 2018 tại Quảng Nam thu về ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2017; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 11.100 tỷ đồng.
Riêng trong dịp tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua (tính từ ngày 02/02 đến 10/02/2019), Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 209.172 lượt khách, tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế ước đạt 130.080 lượt khách, tăng 21,46% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa ước đạt 79.092 lượt khách, tăng 49,51% so với cùng kỳ năm 2018.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2019 này, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung nhiều giải pháp để thu hút lượng khách đến với địa phương ngày càng đông hơn. Cụ thể, theo Kế hoạch của sở này thì trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hơp với một số ban, ngành, địa phương liên quan triển khai 24 đầu việc cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Còn theo ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài vai trò tiên phong của các doanh nghiệp cần có sự tham gia của nhiều sở, ngành; vì đây là ngành kinh tế đa ngành nghề, phải xây dựng được chính sách, cơ chế cụ thể, đồng thời địa phương cũng phải chú trọng thay đổi cách thức truyền thông nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến…
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa Du lịch Quảng Nam phát triển, trở thảnh ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian tới bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo môi trường du lịch tốt; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lao động du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Trước mắt, theo ông Tường, ngành VH-TT&DL tỉnh sẽ tiến hành tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch; xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin kết nối tới các điểm đến; thúc đẩy mở các tuyến đường bay trong nước tại sân bay Chu Lai, tiến tới mở tuyến đường bay quốc tế sau năm 2020.
“Dự báo thời gian tới sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ quá tải nên việc nâng cấp sân bay Chu Lai để đón đầu lượng khách lớn đến Quảng Nam và miền Trung là điều chúng ta cần tính toán”- Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Lê Ngọc Tường cho biết./.