|
|
Sản xuất cà phê đặc sản tại thành phố Buôn Mê Thuột. (Ảnh: baodaklak.vn) |
Tại Đắk Lắk, cà phê được trồng trên 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chỉ riêng huyện Ea Sup có quy mô diện tích không đáng kể, còn lại hầu hết các địa phương đều có quy mô diện tích từ 1.000ha trở lên.
Đến nay, chỉ có khoảng 10% diện tích cà phê do 18 công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và 9 công ty thuộc tỉnh quản lý tương đối tập trung thành vùng chuyên canh. Còn lại 90% diện tích cà phê của khoảng 180.500 hộ nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, diện tích cà phê của tỉnh năm 2018 đạt 203.063ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm 187.940ha, năng suất 25,4 tạ/ha, sản lượng 478.083 tấn.
Nhằm phát triển cây cà phê, Đắc Lắk đã hỗ trợ kinh phí thành lập, đào tạo nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên minh sản xuất cà phê bền vững. Đến nay, đã thành lập được 51/194 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực sản xuất cà phê và 26/237 hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Các hợp tác xã sản xuất cà phê hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, doanh thu bình quân của hợp tác xã cà phê đạt khoảng 4.991,6 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với bình quân chung của các hợp tác xã. Lợi nhuận bình quân 213,3 triệu đồng/hợp tác xã, tăng gấp 1,6 lần so với bình quân chung của các hợp tác xã nông nghiệp.
Hướng tới sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 9 đơn vị được chứng nhận nhà máy chế biến xuất khẩu theo tiêu chuẩn UTZ và 20 đơn vị tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ với 11.672 hộ tham gia, tổng diện tích gần 16.000ha với sản lượng gần 58.000 tấn.
Những niên vụ gần đây, cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến hơn 75 nước trên thế giới. Cà phê của tỉnh vẫn tập trung xuất khẩu sang các thị trường truyền thống lâu nay như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Ý,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, vấn đề đặt ra đối với ngành sản xuất cà phê của tỉnh hiện nay là việc cần áp dụng các quy trình chế biến tiên tiến để nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê. Đắk Lắk hiện có 301 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 95 cơ sở chế biến cà phê nhân, 204 cơ sở chế biến cà phê bột. Phần lớn cà phê của nông dân được chế biến theo phương pháp chế biến khô, chiếm khoảng 85% sản lượng. Chế biến ướt tạo ra chất lượng sản phẩm và giá trị cao hơn, giảm đáng kể diện tích sân phơi, rút ngắn quá trình sản xuất, nhưng quy trình chế biến ướt phức tạp, chi phí đầu tư thiết bị khá lớn nên chưa được nông dân áp dụng rộng rãi.
Thực tế, việc triển khai giải pháp nâng cao chất lượng cà phê của tỉnh trong chế biến còn một số vấn đề tồn tại. Trong đó, quy mô hộ sản xuất cà phê với diện tích canh tác nhỏ với hơn 2ha là phổ biến. Tập quán sản xuất của nông dân là sản xuất đơn lẻ, do đó rất khó có thể tập trung sản phẩm để chế biến quy mô lớn. Cùng với đó, lợi ích của chế biến cà phê ướt chưa đủ sức thuyết phục bà con nông dân chuyển từ chế biến khô sang chế biến ướt. Thiết bị, máy móc công suất nhỏ phù hợp với quy mô sản xuất của nông dân chưa được đáp ứng.
Mặt khác, việc thiếu lao động, nhất là thời kỳ vào vụ thu hoạch vẫn là khó khăn của người sản xuất. Biến đổi khí hậu gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai nặng nề. Những biến động bất lợi của thị trường tiêu thụ nông sản, vật tư đầu vào tác động đến ngành hàng cà phê của tỉnh.
Nhằm xây dựng ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, tiến tới phát triển sản xuất cà phê hữu cơ, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung các nguồn lực, chính sách đầu tư cho các vùng sản xuất cà phê theo quy hoạch, ưu tiên vùng có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Mê Thuột.
Đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất.
Đáng chú ý, xây dựng tại các vùng sản xuất cà phê theo chỉ dẫn địa lý, vùng sản xuất cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số các mô hình tái canh, áp dụng biện pháp sinh học tổng hợp; mô hình sản xuất cà phê tiết kiệm nước gắn với công nghệ thâm canh cao; mô hình sản xuất cà phê sạch.
Trên cơ sở định hướng phát triển cà phê của tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sản xuất cà phê bền vững. Xây dựng phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai kế hoạch, kiểm tra giám sát sản xuất cà phê bền vững. Hỗ trợ thực hiện liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy tập quán canh tác bền vững, trong đó chú ý đến các vấn đề giảm thiểu mức sử dụng nước tưới, phân bón, hóa chất, cải thiện cảnh quan nông nghiệp.
Đặc biệt, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp chế biến cà phê trong và ngoài nước đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê bột, hòa tan, các sản phẩm cà phê khác trên địa bàn nhằm phát triển công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu./.