Đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu trong thời gian “cách ly toàn xã hội”

Thứ tư, 01/04/2020 11:20
(ĐCSVN) - Ngay sau khi Chỉ thị 16 được ban hành, nhiều người dân đã chủ động mua, tích trữ hàng tiêu dùng. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên quá lo lắng bởi Chính phủ và các địa phương đã có phương án bảo đảm tốt nguồn cung hàng hóa...

Trưa ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020. Ngay sau khi Chỉ thị 16 được ban hành, nhiều người dân đã chủ động mua, tích trữ hàng tiêu dùng. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên quá lo lắng bởi Chính phủ và các địa phương đã có phương án bảo đảm tốt nguồn cung hàng hóa...

Theo ghi nhận của phóng viên, từ chiều 31/3, hoạt động mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã có dấu hiệu tăng lên. Lượng người đến các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng tăng lên. Tuy nhiên, lượng sản phẩm tại các các siêu thị, trung tâm mua sắm được bảo đảm khá phong phú; hoàn toàn không có hiện tượng khan hàng, thiếu hàng; giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không có hiện tượng giá cung cấp sản phẩm tăng đột biến.

Tìm hiểu được biết, ngay từ giữa tháng 3, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước - đơn vị có nhiệm vụ điều phối cung cầu hàng hóa tại thị trường trong nước - đã trực tiếp yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch COVID-19 theo 5 cấp độ. Những phương án này được xây dựng theo đúng sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương gửi phương án về Bộ Công thương và trong đó, mỗi phương án được yêu cầu đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả…

Đồng thời, 63 tỉnh, thành trong cả nước cũng chủ động nghiên cứu, tính toán và có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa thực phẩm của 13 loại mặt hàng thiết yếu nói trên để phục vụ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp theo hướng bảo đảm nhu cầu tăng từ 10 - 20% hoặc cao hơn do tác động của dịch COVID-19. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, đồng chí Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhấn mạnh, đến thời điểm này, nguồn cung hàng hóa thiết yếu đã đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Với sự chuẩn bị của các hệ thống phân phối, cung ứng và sự chủ động của các địa phương, có thể khẳng định người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết.

Đồng chí Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: N.An 

Tại Hà Nội, thành phố đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch, tập trung vào cấp độ 3 - 4 khi thành phố có 1.000 ca nhiễm bệnh. 4 cấp độ dịch bệnh hiện nay gồm: Có trường hợp bệnh xâm nhập; Có lây nhiễm thứ phát; Lây lan trên 20 trường hợp; Lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. Phù hợp với kịch bản này, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu để tính khả năng cung ứng hàng của từng đơn vị nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã tăng lượng hàng hoá dự trữ lên gấp 300 - 500% so với bình thường, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo đồng chí Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện nay hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đã chuẩn bị có tổng giá trị vào khoảng trên 170.000 tỉ đồng; đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày.

Một siêu thị tại Hà Nội xuất kho hàng dự trữ để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: KT 

Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kêu gọi, người dân cần bình tĩnh không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không nên đi mua hoặc tích trữ lương thực thực phẩm... Bởi hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố đã dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm đáp ứng đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong mọi tình huống với giá cả ổn định. Được biết, ngay từ chiều ngày 18/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp cung ứng bán lẻ trên địa bàn TP để nghe báo cáo về tình hình dự trữ hàng hóa, cung ứng và ổn định trên thị trường trong đợt dịch COVID-19. Tại cuộc gặp đại diện các doanh nghiệp, các siêu thị vừa và nhỏ cho biết đã sẵn sàng các phương án dự trữ đến 300% so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân thành phố. Đại diện các doanh nghiệp tham dự cũng khẳng định trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp đã làm việc với nguồn cung cấp hàng hóa, đảm bảo ổn định nguồn cung, nguồn dự trữ để đưa ra thị trường.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hóa. Ảnh: QĐ 

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong văn bản gửi UBND 24 quận, huyện trên địa bàn, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Vì vậy, Sở Công thương khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức khẳng định đã dự trữ các nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh, nước rửa tay... “Người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

Theo các chuyên gia, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trong những ngày gần đây, tâm lý lo lắng, chủ động mua, tích trữ các mặt hàng thiết yếu của một bộ phận người dân cũng là phản ứng dễ hiểu. Song, nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã nêu rất rõ, người dân được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa... Nói cách khác, các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0h ngày 1/4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Công thương và các địa phương đã chủ động chuẩn bị một lượng hàng hóa dồi dào, nhất là các mặt hàng thiết yếu; vì vậy người tiêu dùng không nên tích trữ quá nhiều hàng hóa, tránh tạo tình trạng “sốt ảo” hàng tiêu dùng, gây bất ổn thị trường và tạo cơ hội cho các đối tượng trục lợi bất chính./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực