|
Các diễn giả tham dự Hội thảo (Ảnh: Đại học Kinh tế quốc dân) |
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học về kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. Đây là hội thảo quốc gia thường niên có quy mô lớn. Đồng thời, nhân dịp này, Ban tổ chức cũng công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo các chuyên gia, năm 2021 Việt Nam chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh do chủng mới Delta, số ca lây nhiễm và tử vong đều tăng cao ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều tỉnh thành phố lớn phải giãn cách xã hội. Diễn biến này đã ảnh hưởng lớn đến về sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.
|
Bìa ấn phẩm (Nguồn: Đại học Kinh tế quốc dân) |
Cũng do dịch bệnh, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Sức ép lạm phát gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng. Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp hơn năm 2020, thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây, đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế. Tín dụng có thể không trực tiếp đi vào sản xuất, mà trực tiếp hoặc gián tiếp, được đẩy vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán và vàng), nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu.
Thực tế cho thấy đã có nhiều rủi ro đáng lo ngại trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trong năm 2021. Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt đạt mức 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5. Sau một thời gian dài có xu hưởng giảm thì nợ xấu đã tăng trở lại và có nguy cơ gia tăng trong giai đoạn sắp tới, xuất phát từ những khó khăn của khu vực kinh tế thực Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu ở khu vực daonh nghiệp bất động sản, gia tăng nóng cũng những dấu hiệu báo hiệu rủi ro tăng cao.
|
Hội thảo quy tụ sự tham gia trao đổi thẳng thắn của nhiều diễn giả (Ảnh: HNV) |
Theo GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2021 ghi nhận kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm cùng với khó khăn tăng trưởng trong đại dịch, rất nhiều vấn đề và dấu hiệu rủi ro xuất hiện trên hệ thống tài chính tiền tệ của đất nước. Sức ép lạm phát hiện hữu, nợ xấu gia tăng cùng chất lượng tín dụng đi xuống, thị trường chứng khoán phát triển “nóng” đi kèm với các rủi ro biến động mạnh, khu vực bất động sản ẩn chứa các rủi ro do dòng tiền đầu cơ và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng còn chưa được cải thiện, các chính sách ứng phó với COVID-19 vẫn còn những điểm chưa hiệu quả và thiếu nhất quán, gây khó khăn đến hoạt động của nền kinh tế.
PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đồng chủ biên ấn phẩm trên cho biết, dựa trên các phương pháp ước lượng, mức tăng trưởng tiềm năng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nằm trong khoảng 6,12-6,32%/năm. Trong khi 2 năm gần đây, nền kinh tế đều hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng nói trên rất xa, cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống. Khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền và tín dụng ở mức rất cao (tính theo tỷ lệ trên GDP) sẽ là yếu tố gây áp lực lớn đến lạm phát và rủi ro vĩ mô trong trung và dài hạn. Đi kèm với tăng trưởng giảm, chất lượng của tăng trưởng đo lường thông qua tăng trưởng TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) và năng suất lao động đều giảm.
|
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Cụ thể, tốc độ tăng TFP của Việt Nam năm 2021 là -1,6%, so với tăng 0,7% năm 2020, trong khi hầu hết các nước trong khu vực và Trung Quốc đều có sự cải thiện đáng kể. Trong khi đó, năng suất lao động chỉ tăng 4,71%, thấp hơn 4,9% năm 2020 và là thấp nhất từ năm 2014 cho đến nay, năng suất lao động theo ngang giá sức mua (PPP) bằng 1/3 của Malaysia, 1/1,7 của Trung Quốc và Thái Lan.
Tại Hội thảo, đại diện IMF, ông Francois Painchaud đã nêu ra những vấn đề của hệ thống tài chính tiền tệ và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022. Trong khi đó, các chuyên gia khác cũng đã trao đổi thẳng thắn về ấn phẩm, cũng như bàn thảo nhiều vấn đề lớn của kinh tế, chính sách, về ổn định vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh mới, tất cả đều cùng chung một mục đích làm thế nào để nền kinh tế vượt qua được đại dịch, có thể phục hồi và phát triển, có thể vươn tới khát vọng hùng cường trong tương lai không xa./.