Đẩy mạnh mô hình nông dân dạy nông dân trong bối cảnh hội nhập

Thứ năm, 12/05/2016 20:02
(ĐCSVN) - Chiều nay (12/5) tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Mô hình nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động của Chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Chương trình MTCP 2) tại Việt Nam.

Hội thảo “Mô hình nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn” (Ảnh: Đ.H)

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Định, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Chương trình MTCP 2; cùng đông đảo các đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân các cấp; đại diện các bộ, ngành; Ban Điều phối IFAD tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp; chuyên gia tổ chức quốc tế, phi chính phủ.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp luôn được nhấn mạnh là một trong những giải pháp quan trọng trong việc giúp nông dân chủ động hơn khi tham gia khu vực tự do thương mại. Đào tạo nâng cao năng lực, trong đó có đào tạo nghề cho nông dân luôn được các cấp, các ngành và Hội Nông dân Việt Nam quan tâm. Nhiều mô hình đào tạo nghề cho nông dân được tập trung xây dựng; các phương pháp tiếp cận được thực hiện khác nhau. Một trong những mô hình đó đã được Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị thực hiện khá thành công, đó là mô hình “nông dân dạy nông dân”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc áp dụng mô hình này vào thực tế.

Theo bà Nguyễn Hồng Lý, trong những năm qua, công tác dạy nghề, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức và Hội Nông dân quan tâm. Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn, dạy nghề, trình độ của lao động nông thôn đã được nâng lên, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao thu nhập và mức sống người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo một số kết quả nghiên cứu, nông dân đạt trình độ giỏi ở nước ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình 20%, còn lại là yếu kém. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác, sản xuất nông nghiệp lại rất tùy tiện, ít tuân thủ các quy định và quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ chiếm 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất chỉ có 13%.

Tính đến nay có hơn 30 tỉnh đã áp dụng thành công mô hình “nông dân dạy nông dân”. Các ngành nghề đào tạo cho nông dân đang từng bước phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, từng sản phẩm, gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài. Các hình thức dạy nghề rất đa dạng, như: Dạy sơ cấp nghề, dạy nghề trung cấp, dạy nghề thường xuyên, lấy nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi dạy nghề, truyền nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc... Các cấp Hội đã có nhiều chương trình, dự án triển khai các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thực tế cho thấy có một số mô hình “Nông dân dạy nông dân” đã được Hội Nông dân và một số tổ chức thực hiện đã đạt được những thành công nhất định trong công tác dạy nghề, được đánh giá là mô hình hiệu quả trong đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển năng lực cho nông dân và đội ngũ giảng viên nông dân có kiến thức và kỹ năng thực tế cho tổ chức Hội. Ở một số tỉnh, Hội Nông dân đã đào tạo được đội ngũ giảng viên nông dân có tay nghề và có chứng chỉ sư phạm, trực tiếp ký các hợp đồng đào tạo cho nông dân, đã góp phần giải quyêt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Trước thực trạng ở nước ta, mô hình “nông dân dạy nông dân” chưa được phổ biến, nhân rộng trên khắp địa bàn nông thôn. Công tác đào tạo giảng viên là nông dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các ngành, các cấp còn hạn chế. Để tiếp tục hoàn thiện những điều kiện cần thiết cho việc áp dụng mô hình trong thời gian tới, tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ các ý kiến cũng như kết quả nghiên cứu mô hình “nông dân dạy nông dân” đã được thực hiện tại một số tỉnh để từ đó giúp cho cán bộ Hội, các cán bộ của các bộ, ban ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan có thể chia sẻ kinh nghiệm, những bài học từ thực tiễn nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong thực hiện mở rộng mô hình. Đồng thời, qua hội thảo cũng đưa ra các đề xuất để tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, hoàn thiện và khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ để áp dụng mô hình “nông dân dạy nông dân” hiệu quả hơn trong thời gian tới góp phần thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh.

Tại Hội thảo, nhiều nội dung đã được các đại biểu thảo luận như: Dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay; Hội Nông dân Việt Nam với công tác dạy nghề cho nông dân; Báo cáo nghiên cứu Đánh giá thực trạng trạng một số mô hình nông dân dạy nông dân; Áp dụng mô hình “nông dân dạy nông dân” trong khuôn khổ dự án của IFAD; Lấy nông dân dạy nông dân trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nông dân trở thành giảng viên: thuận lợi, khó khăn; Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đội ngũ giảng viên nông dân trong công tác đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân;…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực