Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ

Thứ tư, 02/10/2024 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 2/10, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ giai đoạn 2023 - 2024.
  Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: CM)

Thông tin về kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Bắc, Bắc Trung bộ giai đoạn 2023 – 2024, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC cho biết, năm 2023, TP Hồ Chí Minh thực hiện được 03/03 nội dung phối hợp cấp vùng năm 2023. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 04/11 nội dung phối hợp cấp vùng năm 2024. Đối với các hoạt động hợp tác song phương 09 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ trong năm 2023, các bên đã thực hiện 26/33 nội dung phối hợp, 07 sự kiện còn lại sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024, 2025…

Trong giai đoạn 2023 - 2024, các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, du lịch và y tế. Việc tổ chức thành công các hội nghị, hội chợ và sự kiện kết nối cung  cầu đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và gia tăng mối liên kết giữa các doanh nghiệp. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, giúp lan tỏa hình ảnh và thương hiệu của các tỉnh, thành, tạo nên tác động tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với 07/11 sự kiện cấp vùng trong năm 2024 và 13 sự kiện cấp vùng trong năm 2025. Bên cạnh đó, 111 hoạt động hợp tác song phương giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Những hoạt động này không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại từng địa phương mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững trong toàn khu vực. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiệu quả.

Phát biểu Hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh cùng với 9 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện như thương mại; công nghiệp; nông nghiệp; xúc tiến hợp tác đầu tư; du lịch; y tế; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao; phát thanh, truyền hình; lao động và xã hội... và đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước.

Bà Trần Thị Diệu Thúy tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền và các địa phương cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng nói chung,TP Hồ Chí Minh và 09 tỉnh nói riêng; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác với một số địa phương Bắc và Bắc Trung bộ, các nội dung hợp tác xúc tích và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó cần tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư và thương mại; nghiên cứu, đề xuất bố trí các vị trí để mở rộng các chuỗi cung ứng, bán lẻ hàng hóa tại các tỉnh, các showroom trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tỉnh tại TP Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh hơn nữa trong hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế nông nghiệp, kinh tế thị trường,  chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các địa phương giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của từng vùng. Đồng thời, thúc đẩy và tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch; hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực y tế, giáo dục ở địa phương./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực