Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam

Thứ tư, 06/07/2022 12:06
(ĐCSVN) - Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật là chủ trương nhất quán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam. Thực tế cho thấy, chủ trương này đã giúp Hà Nam phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống người dân…

Thị xã Duy Tiên là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh Hà Nam về ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Từ nhiều năm trở lại đây, việc cấy lúa bằng máy đã trở lên quen thuộc với nông dân Duy Tiên. Đến đầu năm 2022, toàn Thị xã đã có 7 cánh đồng mẫu cấy lúa bằng máy diện tích 233 ha ở các xã, phường: Tiên Sơn, Trác Văn, Châu Giang, Yên Bắc; có 8 mô hình tích tụ ruộng đất với diện tích gần 203 ha và 4 hộ đầu tư vốn mua thiết bị bay không người lái làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, nhiều mô hình trồng lúa đã cho thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất như mô hình nuôi trồng thủy sản; mô hình chăn nuôi bò sữa…

Theo đồng chí Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, đây là cơ sở để địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

 Ứng dụng công nghệ xử lý nguồn nước đầu vào trong nuôi trồng thủy sản ở xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. (Ảnh: Phùng Thăng).

Còn tại huyện Bình Lục (Hà Nam), đến nay huyện cũng đã hoàn thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ với diện tích 121,73ha, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đầu tư vào sản xuất. Đã có 17/17 xã, thị trấn đăng ký mô hình tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai gần 60 mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết tiêu thụ sản phẩm với 8 doanh nghiệp để sản xuất lúa, rau củ quả với tổng diện tích 679,95 ha tại 17 xã, thị trấn để sản xuất lúa, rau củ quả sạch. Toàn huyện hiện có 16 mô hình nhà kính, nhà màn trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau củ quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Bình Lục hiện đã quy hoạch 7 khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại 7 xã có diện tích 69,5ha với giá trị thu nhập ước đạt 350 triệu đồng/ha/năm; triển khai 2 mô hình nuôi cá sông trong ao; quy hoạch vùng chăn nuôi lợn, gà tập trung quy mô lớn làm vệ tinh cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu…

Qua đánh giá, các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Đây là hai minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh Hà Nam. Thực tế, từ năm 2015, Hà Nam đã có chủ trương tiếp cận và chọn lọc các công nghệ mới được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp như: tự động hóa, cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… phù hợp với thực tế canh tác, sản xuất địa phương.

Để việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, các địa phương cũng chủ động nghiên cứu, triển khai chuyển đổi từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn trên cơ sở mô hình tích tụ ruộng đất hàng trăm ha; mô hình chuyển đổi các diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới…

 Mô hình chăn nuôi bò sử dụng công nghệ đệm lót sinh học tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. (Ảnh: Kim Chiến).

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp còn được gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mói kiểu mẫu… qua đó, vừa mở ra cho người nông dân cơ hội vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương, vừa tạo ra sự đổi thay mạnh mẽ cho diện mạo các vùng nông thôn của Hà Nam.

Theo đồng chí Ðinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Hà Nam xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Việc việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông nghiệp, nông thôn Hà Nam đã có những bước chuyển tích cực.

Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước đạt 8.288,6 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ. 100% các xã, thị trấn và 6/6 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Ðến hết tháng 3/2022, Hà Nam có 19/83 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Hà Nam cũng đã phê duyệt 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha.

Phát huy những kết quả nói trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình tích tụ, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa; các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng kế hoạch và tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Mỗi xã một sản phẩm", xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế các mặt hàng nông sản và nâng cao thu nhập cho người sản xuất./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực