Ngày 4/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 (diễn ra từ 3 - 6/10 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội).
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường bằng công cụ hiện đại; phát triển sản phẩm gắn với thiết kế, sáng tạo theo xu hướng thị trường, mô hình quảng bá, kinh doanh sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade) cho biết: Những năm qua, thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng, bình quân mỗi năm tăng 21 - 25%. Người tiêu dùng, nhất là người trẻ ngày càng có xu hướng chuyển dịch tiêu thụ, mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
|
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Agritrade phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: PV) |
Bắt kịp dòng chảy đó, những thông tin quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP qua các nền tảng mạng cũng không ngừng phát triển, tạo ra những hiệu ứng, tín hiệu rất khả quan, góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn, giới thiệu, quảng bá… các làng nghề, phố nghề, nghề truyền thống tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, người tiêu dùng thường có 2 quyết định khi mua sắm. Một là trước khi tới các hội chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng… đã lên sẵn danh sách những mặt hàng cần mua, mức tài chính có thể bỏ ra (chiếm 70%). Hai là quyết định mua sản phẩm ngay tại chỗ khi bắt gặp (chiếm 30%).
Tuy nhiên, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP có tính sáng tạo rất cao, mang những giá trị văn hóa, lịch sử, thể hiện tay nghề, tâm huyết của nghệ nhân, nếu chỉ bán hàng theo cách thông thường sẽ khó xuất hiện trong danh mục chi tiêu của người tiêu dùng và không đạt được giá trị mong muốn.
Do đó, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu. Nghệ nhân phải kể được câu chuyện về sản phẩm do mình tạo ra, giúp người tiêu dùng hiểu thấu đáo giá trị thực sự, hữu hình, vô hình của sản phẩm. Từ đó, hình thành cảm xúc, hiểu được giá trị thực sự của sản phẩm, đưa ra quyết định mua mà không phân vân việc mình đã chi một số tiền không nhỏ.
|
Làng nghề cốm trong lòng Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy duy trì cách quảng bá, trưng bày, giới thiệu thì hiệu quả sẽ không cao. Các nền tảng mạng xã hội có những bộ công cụ thông minh giúp lưu giữ lại toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm một cách sinh động. Một đoạn video công phu, tỷ mỉ với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sống động sẽ giúp nghệ nhân kể câu chuyện của mình được với nhiều người một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất mà không mất đi cảm xúc ban đầu. Việc hình thành một kênh bán hàng mới sẽ giúp sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP có thêm cánh tay nối dài để đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là thế hệ trẻ.
“Tín hiệu đáng mừng là từ năm 2023, được sự hỗ trợ của TikTok Việt Nam, Agritrade đã định kỳ hàng tuần, tháng, quý tổ chức chương trình 'Phiên chợ OCOP' tại các địa phương. Kết quả thu được rất khả quan, vượt xa so với mong đợi ban đầu. Rất nhiều chủ thể là HTX, nghệ nhân đã tự tạo được cho mình kênh bán hàng online với hàng ngàn người theo dõi, doanh số bán hàng không ngừng tăng lên theo cấp số nhân. Trung tâm cũng đang phối hợp với TikTok xây dựng 'Vườn ươm OCOP' (hiện đã có 500 người tham gia) để tiếp sức cho các chủ thể tạo ra những giá trị mới cho mảng sản phẩm đặc thù này”, ông Nguyễn Minh Tiến thông tin.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Khánh Toàn, đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: TikTok shop được khởi động năm 2022, đến nay đã phát triển mạnh mẽ và trở thành 1 trong 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Với lợi thế về công nghệ, hành trình bán sản phẩm trên TikTok có thể thông qua các video giải trí. Điều này tạo ra cảm xúc cho người mua, hiệu ứng lan tỏa sẽ tốt hơn cách quảng bá thông thường.
Trong bối cảnh mục đích, thói quen mua sắm của người tiêu dùng có nhiều thay đổi (không chỉ mua sắm đơn thuần mà còn mua sắm để giải trí, khám phá...) thì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ngành nghề truyền thống cũng phải thay đổi. Một phiên livestream sẽ giúp nghệ nhân thuận lợi tìm được những người cùng chung sở thích, quan điểm… ở mọi lứa tuổi. Một kênh bán hàng hoàn toàn có thể trở thành một diễn đàn để người mua chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm sử dụng, tác dụng sản phẩm... Từ đó, sức hút, sự lan tỏa của những sản phẩm truyền thống sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần./.