Để phát triển hiệu quả và bền vững hợp tác xã trong bối cảnh mới

Thứ ba, 19/09/2023 15:20
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Với hội thảo quốc tế hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý từ quá trình xây dựng và thực hiện chính sách cũng như thực tiễn phát triển khu vực hợp tác xã (HTX) của quốc tế để tham khảo cho quá trình hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX của Việt Nam, góp phần thay đổi căn bản, thúc đẩy KTTT, HTX ở nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phát triển HTX không tránh khỏi xu thế phát triển nhanh, đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng đời sống xã viên, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm nơi muốn tiêu thụ… Thông qua việc điều chỉnh, bổ sung chính sách, cùng với nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực hỗ trợ giúp chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất để các HTX của cả nước không ngừng sản xuất, phát triển bền vững, đạt mục tiêu liên kết hiệu quả, nhất là hướng tới NetZero vào 2025.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chủ trì Hội thảo (Ảnh: HNV)

Đây là những thông tin được nêu ra bởi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khi chủ trì Hội thảo quốc tế “Luật HTX 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể , hợp tác xã” diễn ra sáng 19/9, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, thực tiễn phát triển khu vực KTTT tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các tổ chức KTTT như điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn; các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX; các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường...

Cũng theo Thứ trưởng Trung, trong bối cảnh mới, phong trào HTX vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức: từ sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường; tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn; bất ổn chính trị trên thế giới vẫn khó lường; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,... đòi hỏi khu vực HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. Điều này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực KTTT để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác lại của mỗi thành viên theo mô hình HTX, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của các HTX thời kỳ mới (Ảnh: PV)

Thông tin khái quát về dự thảo “Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX số 17/2023/QH15” tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 23 điều và đề cập tới nhiều quy định về hỗ trợ HTX nói riêng và KTTT nói chung phát triển trong bối cảnh mới, cụ thể quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ tư vấn; hỗ trợ nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả; hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; tư vấn tài chính và định giá rủi ro; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Dịp này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tại Việt Nam nhấn mạnh, dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực HTX Đức, có thể nói rằng, việc hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển. Các chính sách hỗ trợ có thể được hiểu là những quy định cụ thể trong luật và việc áp dụng một cách thống nhất, tạo điều kiện cho các HTX được tham gia một cách toàn diện vào nền kinh tế. Ngoài ra, HTX cũng được tham gia vào các chương trình hỗ trợ dành cho các loại hình doanh nghiệp khác khi họ đáp ứng các điều kiện của chương trình. Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để HTX có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho HTX. Điều này giúp HTX có được đòn bẩy tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự lực.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự (Ảnh: HNV)

Hội thảo đã lắng nghe chia sẻ và trao đổi ý kiến của hai đại diện đến từ Thái Lan và Philippines về kinh nghiệm quản lý và các chính sách đối với phát triển HTX - hai nước cùng khu vực Đông Nam Á, có điều kiện, văn hóa khá tương đồng với Việt Nam, có khu vực HTX phát triển mạnh, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, lan tỏa tác động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn. Theo đó, TS Jedsadaporn Sathapatyanon, Giám đốc nhóm quan hệ quốc tế, cơ quan HTX quốc tế Thái Lan chia sẻ về mô hình HTX của quốc gia này và nhấn mạnh rằng: Theo vai trò và trách nhiệm của mình, Cơ quan Phát triển Hợp tác xã (CPD) tổ chức các chương trình và hoạt động giúp đỡ và thúc đẩy các HTX trên toàn quốc với 3 đề án chính gồm: 1)- bổ trợ kiến thức và tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật bằng cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp của HTX cho cán bộ HTX, các nhóm nông dân và công chúng. Ngoài ra, Hỗ trợ chuyển giao công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, quản lý và phát triển kinh doanh của các hợp tác xã, tổ nông dân; 2)- Giám sát, thể chế hóa, đăng ký và tăng cường hệ thống HTX theo quy định của Luật HTX mà ở đó, tất cả các hình thức và phân loại HTX phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Người đứng đầu CPD do Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã bổ nhiệm chức danh Cục trưởng; 3)- Khuyến khích và hỗ trợ các HTX sản xuất, thu gom, chế biến, tiếp thị và phát triển công nghệ với 2 đề án chính hỗ trợ các HTX theo hướng: hỗ trợ máy móc và thiết bị để nâng cấp hoạt động sản xuất và chế biến của HTX và Quỹ Phát triển Hợp tác xã (CDF) do CPD quản lý và phục vụ cho các HTX.

Bà Elizabeth Organo Batonan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và Kiểm tra, Cơ quan Phát triển HTX Philipine đã chia sẻ về quan điểm phát triển HTX của nước này theo hướng thúc đẩy khả năng tồn tại và phát triển của các HTX như một công cụ bình đẳng, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. Theo quy định của pháp luật nước này, Chính phủ và tất cả các ban, ngành, tổ chức và cơ quan của chính phủ có nhiệm vụ tiếp tục cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và các dịch vụ khác để giúp các HTX phát triển thành các doanh nghiệp kinh tế có sức sống và khả năng đáp ứng hướng tới một phong trào HTX mạnh mẽ, không có bất kỳ điều kiện nào vi phạm mục tiêu và bản chất của HTX. 

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đến từ một số HTX và địa phương của Việt Nam đã cùng trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm hỗ trợ HTX phát triển hiệu quả trong bối cảnh mới, có thể xem xét áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong phát triển HTX.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực