Để phát triển nuôi trồng thuỷ sản phía Bắc

Chủ nhật, 07/10/2018 21:18
(ĐCSVN) - Hiện nay, ngành thủy sản phải tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản mới, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chính sách phát triển hạ tầng và vốn hiệu quả...

Khai mạc Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội

Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội 2018

Hội thảo là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ các sản phẩm thuỷ sản tại Hà Nội 2018.
(Ảnh: HNV)

Đó chính là những gợi ý giải pháp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng được nhiều đại biểu đồng tình, nhất trí cao tại Hội thảo “Phát triển nuôi trồng thuỷ sản phía Bắc” diễn ra chiều 6/10 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, hiện, ngành thuỷ sản đang gặp một số khó khăn, thách thức, có thể gói gọn trọng “5 khó” đó là: Khó về thị trường; Khó về vốn; Khó về ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN); Khó về giống; Khó về liên kết chuỗi. Vì thế, trong Hội thảo này, rất cần các ý kiến trao đổi để khắc phục “5 khó” này.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Tổng cục thuỷ sản đã nhấn mạnh, cần có chính sách vay vốn lãi suất thấp, nâng cao định mức vay cho các dự án phát triển nuôi trồng thuỷ sản; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông, điện công nghiệp cho các vùng nuôi tập trung các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.

Thêm vào đó,  cũng cần phải xây dựng các mô hình áp dụng KHCN vào ương, nuôi giống truyền thống, giống bản địa, giống mới; đào tạo hướng nghiệp nâng cao kiến thức nuôi trồng thuỷ sản cho cộng đồng người nuôi; xúc tiến thương mại và tháo gỡ các rào cản thương mại song song với phát triển thj trường nội địa, hạn chế tối đa các rủi ro từ thị trường...

Dịp này, đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 cho biết, Viện luôn chú trọng nghiên cứu, thực nghiệm nâng cao chất lượng các loài nuôi trồng thuỷ sản. Theo đó, tập trung vào một số quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống thuỷ sản mới, góp phần đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất.

Một thiết bị nuôi trồng thủy sản được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ lần này. (Ảnh: HNV)

Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Cương, Hội nghề cá Việt Nam chỉ ra, hiện nay, cần phải áp dụng thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt và phát triển liên kết sản xuất. Ông Cương khẳng định: yêu cầu của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, tất cả các công đoạn của sản xuất phải an toàn và được kiểm soát theo chuỗi. Thực tế, Việt Nam đã ký 12 hiệp định FTA, trong từng hiệp định đều có nội dung SPS. Do đó, việc áp dụng chuỗi sản xuất đến tiêu thụ cũng như thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt là giải pháp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

TS Trần Ngọc Hùng, Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, thuỷ sản là một ngành có lợi thế cạnh tranh cao, có tốc độ tăng trưởng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, có triển vọng tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh trong hội nhập. Bởi thế, hệ thống chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thuỷ sản đòi hỏi cần thay đổi cho phù hợp với xu thế thị trường hội nhập. Theo đó, cần tiếp cận đa chiều với những nhận thức mới để gắn kết trúng các công cụ chính sách vào chuỗi.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, đại diện tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân nhất là người dân vùng lòng hồ, cần giúp đỡ, hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất thuỷ sản, tìm đầu ra cho sản phẩm cá đặc sản nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm bền vững đồng thời tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản tập trung.../.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực