Hỗ trợ người dân vay vốn ở Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ. Ảnh: QM
Giúp nông dân “biến ước mơ thành hiện thực”
Phong Thổ là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh biên giới Lai Châu. Với gần 100 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, huyện có 28 xã, thị trấn; trong đó có đến 13 xã biên giới, 15 xã đặc biệt khó khăn, 97% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số… nên việc phát triển kinh tế xã hội ở Phong Thổ nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất không đồng đều, còn phải kể đến tình trạng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Bám sát đặc điểm đó, với phương châm “chủ động, thiết thực, hiệu quả”, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ đã thực sự là kênh ủy thác nguồn vốn vay tín dụng tin cậy, điểm tựa quan trọng giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có thêm cơ hội thoát nghèo.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó cùng địa bàn vùng cao, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ, Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo ở miền núi hiện nay vẫn là thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Xác định được điều đó, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã tạo mọi điều kiện để nhiều người nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể… Trên cơ sở đó, đã có ngày càng nhiều hộ dân có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Được biết đến như một trong những “điểm sáng” trong sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ vào phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, đời sống bà con bản Phai Cát 1, xã Khổng Lào đã không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn mới ngày càng đổi mới. Với 50 hộ là đồng bào dân tộc Thái, trước năm 2010, số hộ đói, nghèo ở bản Phai Cát 1 lên tới 28 hộ, chiếm gần 60%. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là việc tạo điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi nên nhiều hộ trong bản đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến đầu năm 2016, bản Phai Cát 1 chỉ còn 10 hộ nghèo, không còn hộ đói; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như mô hình của các gia đình ông Đèo Văn Pan, ông Đèo Văn Nhung, bà Lò Thị Vui… Theo thống kê, chỉ riêng Chi hội Phụ nữ bản Phai Cát 1 đã đứng ra ủy thác giúp hội viên vay trên 1,7 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, 100% số hộ vay vốn trong bản đều sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế, không có hộ nào nợ quá hạn. Ông Đèo Văn Nhung, Trưởng bản Phai Cát 1 cho biết: “Đời sống bà con trước đây khó khăn lắm, lo bữa ăn cho bọn trẻ còn khó. May nhờ có cán bộ hướng dẫn cách sản xuất, có ngân hàng cho vay vốn đầu tư nên nhiều hộ trong bản đã vươn lên phát triển sản xuất và dần có đời sống khá giả hơn nhiều”.
Đồng hành cùng đồng bào thoát nghèo bền vững
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ đã thường xuyên chủ động phối hợp với các ban, ngành và tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con về mục đích, ý nghĩa, các chương trình cho vay, nguồn vốn vay… Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như củng cố, mở rộng hệ thống Điểm giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; cử cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn cụ thể…, hiệu quả sử dụng vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở huyện vùng cao Phong Thổ đã không ngừng được nâng lên.
Đồng thời, Chi nhánh còn phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức cho hội viên đăng ký và bình xét các đối tượng vay vốn bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ. Tại những buổi sinh hoạt bình xét, cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn đều thông báo rõ về nguồn vốn tăng trưởng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thuộc diện vay vốn cũng như thu tục, trình tự vay vốn, giải ngân… Hướng đến tạo ra hiệu quả sử dụng vốn vay cao nhất và thiết thực hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, Chi nhánh Ngân hàng CSXH ở huyện vùng cao Phong Thổ còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân để nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và phát triển sản xuất.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn nên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế luôn là vấn đề nan giải đối với huyện Phong Thổ. Những năm qua, nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã thực sự trở thành động lực quan trọng giúp đồng bào các dân tộc trong huyện vươn lên phát triển đời sống. Đồng vốn chính sách đã không chỉ giúp thay đổi các bản làng trong huyện mà còn có những đóng góp lớn trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, giai đoạn 2010 - 2015, bình quân mỗi năm huyện đã giảm được 5 - 6% hộ nghèo; theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của Phong Thổ đã giảm từ 58%, năm 2009 xuống còn 26%, năm 2015”.
Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ, tính đến đầu năm 2016, Chi nhánh đã giải ngân trên 220 tỷ đồng, trong đó, số dư nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo là hơn 130 tỷ đồng với khoảng gần 5.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Chi nhánh cho biết thêm, điểm đáng mừng nhất ở Phong Thổ đó là từ nhiều năm qua, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy khá tốt hiệu quả vốn vay trong phát triển kinh tế qua đó giúp nhiều hộ gia đình từng bước ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập; các hộ vay vốn đều trả tiền lãi, gốc đúng kỳ hạn nên tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn luôn ở mức rất thấp.
Nỗ lực bám sát địa bàn, chủ động đồng hành cùng nông dân, có thể nói, nguồn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phong Thổ đã trực tiếp giúp cuộc sống của hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn dần ổn định, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương./.