Điện gió ngoài khơi trên con đường tăng trưởng xanh

Thứ hai, 07/06/2021 20:09
(ĐCSVN) - Điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp toàn cầu non trẻ đang có nhiều đóng góp cho tăng trưởng xanh tại nhiều quốc gia. Đây là nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy có thể đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng xanh. Với tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện phát triển ngành điện gió ngoài khơi.
 Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. (Ảnh: TTXVN)

Thuận theo xu thế toàn cầu

Tăng trưởng xanh là xu thế toàn cầu mới được tái khẳng định tại Hội nghị cấp cao Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) trực tuyến ngày 31 tháng 5 năm 2021 khi tại điểm cầu Hà Nội, với tư cách là thành viên sáng lập P4G, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự với đề xuất sáu giải pháp quan trọng. Theo đó, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển để chuyển đổi xanh.

Quá trình xây dựng Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) theo yêu cầu của Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị (khoá XII) về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một cơ hội tốt để vạch ra lộ trình tăng trưởng xanh cho ngành năng lượng Việt Nam, nhất là khi điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo ổn định có thể phần nào dần thay thế nhiệt điện truyền thống với giá thành cạnh tranh trong dài hạn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi sử dụng nguồn tài nguyên vô tận là sức gió. Mặt khác, thời gian phát triển dự án điện gió ngoài khơi thường ngắn hơn so với các dự án năng lượng khác khi chỉ mất khoảng 3 đến 5 năm để phát triển dự án và 2 đến 3 năm để lắp đặt, góp phần giải quyết nhanh nhu cầu cấp thiết về tiêu thụ điện năng của nền kinh tế, tạo ra sự chủ động hơn trong  xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn và lưới điện dài hạn.

Đã có nhiều quốc gia đi trước chúng ta trong phát triển điện gió ngoài khơi mà đại diện là Hội đồng điện gió toàn cầu (GWEC). Trong giai đoạn thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển xanh với con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, nhất là trong các dự án hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Vì lợi ích lâu dài của đất nước

Từ góc nhìn đó, việc xây dựng thể chế để thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi trong quá trình xây dựng Dự thảo Quy hoạch điện VIII là rất cần thiết, nhất là khi các dự án lớn này, ngoài các mục tiêu về kinh tế, môi trường, xã hội còn liên quan đến quản lý tổng thể tài nguyên biển quốc gia, đến thực hiện chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Để góp phần thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về một nền kinh tế xanh, trong đó có năng lượng xanh, có lẽ Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đưa ra định nghĩa cụ thể cho điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện, đặc điểm địa lý của Việt Nam, phân biệt rõ giữa điện gió ngoài khơi và điện gió gần bờ để xây dựng, áp dụng cơ chế, chính sách cho sát, đánh giá đúng lợi ích bao trùm của điện gió ngoài khơi đối với kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh...

Nhiều chuyên gia cho rằng phát triển điện gió ngoài khơi sẽ kéo theo hoạt động nghiên cứu và phát triển; chuyển giao, sáng tạo công nghệ năng lượng xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Các dự án điện gió ngoài khơi sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng, cầu cảng, phương tiện đường biển, cũng như tạo công ăn việc làm, trong tổng thể phát triển kinh tế biển Việt Nam. Ngoài khả năng cung ứng dịch vụ khảo sát thăm dò biển và môi trường biển trong giai đoạn tiền dự án từ kinh nghiệm của ngành dầu khí, các doanh nghiệp ngành xây lắp, cơ khí chế tạo công nghệ cao, tự động hóa, số hóa, thiết kế và sản xuất trạm biến áp ngoài khơi, sản xuất thép, đóng tàu và dàn khoan trong nước khi được nhận chuyển giao công nghệ, hoàn toàn có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trong những nhà cung ứng thiết bị điện gió ngoài khơi lớn của khu vực. Vấn đề là chúng ta phải thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng trước các nước trong khu vực do tính cạnh tranh rất cao.

Điện gió ngoài khơi là một cơ hội tốt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển điện lực. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, phát triển 10 GW điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sẽ tạo ra 800 nghìn việc làm hàng năm với tổng giá trị tạo ra cho nền kinh tế ước đạt hơn 60 tỉ đô-la Mỹ trong gia đoạn từ 2020 đến 2035. Nguồn vốn FDI cũng sẽ đầu tư vào chuỗi cung ứng, trước mắt tập trung vào sản xuất thiết bị phụ trợ cho nhà máy điện, cánh turbin, cột tháp, dây cáp biển ngầm, phương tiện nổi để xây dựng móng nền và lắp đặt thiết bị và cuối cùng là sản xuất turbin với quy mô có thể đạt 500 triệu đô-la Mỹ trước năm 2030.

Đó chính là các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường to lớn và lâu dài khi Việt Nam phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng trong nước. Việc sớm xác định mục tiêu, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao cho điện gió ngoài khơi ngay trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết để các dự án dài hạn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Đó có thể là cơ chế hợp đồng mua bán điện dài hạn, giá mua điện, kết nối mạng lưới phân phối và truyền tải điện, tỷ trọng hợp lý trong tổng sơ đồ điện và các chính sách hỗ trợ khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Sự bùng nổ của đầu tư tư nhân vào điện mặt trời thời gian vừa qua là một ví dụ minh chứng cho tính đúng đắn của chính sách.

Quan trọng nhất vẫn là “vạn sự khởi đầu nan”. Đối với các dự án điện ngoài khơi tiên phong ở nước ta hiện nay, các trở ngại chính là thiếu cơ sở hạ tầng, cần phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp biển gần như từ đầu, xây dựng năng lực và nhận thức về điện gió ngoài khơi với các địa phương, ngư dân, giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nếu có đủ niềm tin vào tiềm năng của thị trường, niềm tin vào chủ trương, đường lối phát triển nền kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, thì dù còn những khó khăn, trở ngại nhất định trong ngắn hạn, các nhà đầu tư tư nhân sẽ không ngần ngại đưa ra các dự án điện gió ngoài khơi hấp dẫn đối với nền kinh tế./.

Trần Văn (ĐBQH khóa XII, XIII)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực