Điện mùa khô: Nguồn thiếu, cầu cao

Thứ năm, 11/03/2010 15:16

Công trình thủy điện Sơn La đang xây dựng. Ảnh: HỒNG HÀ
Mặc dù đã được cảnh báo và nhiều biện pháp khắc phục đã được chuẩn bị từ năm 2009 nhưng nguy cơ thiếu điện trong năm nay vẫn hiển hiện. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cung ứng điện từ tháng 3-2010 sẽ hết sức căng thẳng do phụ tải cao và nguồn cung không đủ đáp ứng. Trong khi đó, việc phát triển thêm nguồn điện không dễ dàng.

Căng thẳng mùa khô

Tháng 2, lưu lượng nước về các hồ chứa miền Bắc tiếp tục thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (từ 54% đến 73%). Các hồ thủy điện miền Trung, miền Nam cũng đạt thấp (từ 42% đến 88%), chỉ riêng hồ Đa Nhim lượng nước đạt 112%. Các nhà máy thủy điện miền Trung và miền Nam khai thác theo kế hoạch điều tiết nhiệt điện than và tua-bin khí và mua điện Trung Quốc ở mức cao. Khí Cửu Long cấp trung bình 1 triệu m³/ngày, khí Nam Côn Sơn cấp trung bình 17,4 triệu m³/ngày. Khí PM3 cấp thấp, trung bình chỉ khoảng 3,3 triệu m³/ngày nên Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau không vận hành hết công suất. Tuy nhiên, trong tháng 2 EVN đã đảm bảo cung ứng đủ điện và ổn định cho nền kinh tế quốc dân với sản lượng điện tiêu thụ trung bình của toàn hệ thống là 226,5 triệu kWh/ngày, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Điện do EVN sản xuất và mua từ các nhà máy ngoài EVN trong tháng 2 đạt 6,095 tỷ kWh, tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước.

EVN dự báo trong tháng 3 sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc, trong khi miền Nam và miền Trung nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng ở mức rất cao. Sản lượng tiêu thụ trung bình trong tháng 3 ở mức 260-265 triệu kWh/ngày, ngày cao nhất có thể đến trên 277 triệu kWh/ngày, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó, do đã xả 3 tỷ m³ nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân, mực nước các hồ thủy điện phía Bắc đã xuống rất thấp, lượng nước về hồ tiếp tục giảm so trong vòng 100 năm nay. Một số tổ máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành vẫn chưa hoạt động ổn định, khí PM3 cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau chỉ đạt 3-4 triệu m³/ngày, không đủ để nhà máy vận hành hết công suất.

Trong khi đó, theo lịch đăng ký, từ đầu đến giữa tháng 3, Công ty Lưới điện Vân Nam - Trung Quốc ngừng cấp điện cả 2 đường dây 220kV Tân Kiều - Lào Cai và 110kV Lào Cai - Hà Khẩu để sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, nên sản lượng điện mua của Trung Quốc qua Lào Cai bị cắt hoàn toàn (giảm khoảng 10 triệu kWh/ngày). Vì vậy, tình hình cung cấp điện trong tháng 3-2010 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Kiên quyết không để thiếu điện

Ngay từ đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nêu tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2010. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành phải nỗ lực bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. EVN cần bố trí kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện hợp lý, nâng cao công suất các nhà máy điện, kể cả các nhà máy điện sử dụng dầu, để có thể khai thác tối đa khi cần thiết; đồng thời tập trung chỉ đạo và đôn đốc tiến độ các dự án nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng để vận hành thông suốt trong thời gian sớm nhất, đưa các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung vào vận hành đúng tiến độ; trưng dụng các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả (của TKV) để huy động phục vụ cung cấp điện cho năm 2010; tăng cường truyền tải công suất và sản lượng từ miền Nam ra miền Bắc để dành nước của các nhà máy thủy điện phục vụ phát điện, cấp nước cho vụ đông xuân 2010...

Theo lãnh đạo EVN ngoài nỗ lực, khai thác, huy động mọi nguồn điện có thể, EVN yêu cầu các đơn vị đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, nhất là đường dây 500kV Bắc-Nam; thực hiện nghiêm mệnh lệnh điều hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia và các trung tâm điều độ hệ thống điện miền để kịp thời đối phó với các tình huống bất thường và sự cố. Các công ty điện lực đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện trong khách hàng và xã hội, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện tiết kiệm điện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo EVN, những nỗ lực trên chỉ có thể khắc phục phần nào, chứ không thể khắc phục căn bản nguy cơ thiếu điện. Vấn đề chính hiện nay là phải khắc phục được tổn thất điện năng và có cơ chế thu hút được vốn đầu tư nguồn điện.

Bài toán giải pháp vốn

Theo các chuyên gia, những tổn thất hiện nay của ngành điện chủ yếu trong khâu truyền tải và phân phối. Trong đó, tổn thất kỹ thuật là loại tổn thất không thể tránh được do hiện tượng phát nhiệt của vật liệu dẫn điện. Vì vậy, với tình trạng lưới điện cũ nát hiện nay, tổn thất điện sẽ càng lớn. Thực tế hệ thống lưới điện cả nước hiện nay hầu hết đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhưng ngành điện chưa thể đầu tư cải tạo, nâng cấp vì thiếu vốn. Để đưa được tổn thất điện năng về 8% vào năm 2010, ngành điện sẽ phải đầu tư khoảng 15.596 tỷ đồng để loại bỏ các máy biến áp cũ tổn thất cao, nâng cấp điện áp, thay thế dây dẫn phù hợp với tăng trưởng phụ tải. Đặc biệt, nếu tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn vào giữa năm 2010 theo kế hoạch, mức tổn thất điện năng của EVN sẽ tăng thêm 2,23%.

Để giảm tổn thất, EVN đã và đang chỉ đạo các đơn vị quyết liệt hơn trong công tác chống tổn thất điện năng. Theo đó, các đơn vị phải chú trọng đầu tư cải tạo, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, thay thế các công tơ không đảm bảo, bổ sung kiểm định công tơ để lắp đặt, thay thế đồng loạt công tơ cũ tại các khu vực lưới điện mới tiếp nhận, có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả các đơn vị nhận làm dịch vụ điện...

Mặc dù hết sức cố gắng nhưng thực tế muốn giảm tổn thất để hạn chế tăng giá điện cần phải có đủ vốn để đầu tư hạ tầng. Theo tính toán, để đảm bảo đủ điện cung cấp cho phát triển kinh tế, mức đầu tư điện trung bình hàng năm phải chiếm khoảng 10% đầu tư cho nền kinh tế và chiếm 30% vốn đầu tư cho toàn bộ ngành công nghiệp.

Theo quy hoạch phát triển điện từ nay đến năm 2025, lượng công suất tăng thêm vào khoảng 30.000MW vào năm 2015 và đến năm 2020 công suất hệ thống cũng phải thêm 50.000 - 60.000MW. Như vậy tổng vốn đầu tư cho ngành điện từ nay đến năm 2020 ước chừng 50 tỷ USD. Như vậy trung bình mỗi năm ngành điện cần có hơn 5 tỷ USD để phát triển nguồn, chưa kể phát triển lưới. Đây quả là bài toán cực kỳ nan giải đối với ngành điện trong giai đoạn hiện nay.

Vì thế, tăng giá chưa phải là tất cả trong điều kiện nước ta hiện nay, bởi vẫn còn hai phương án nữa có thể chữa căn bệnh thiếu vốn ngành điện. Thứ nhất trong biểu giá điện ở hầu hết các nước, giá cho hộ dân dụng bao giờ cũng cao nhất, tiếp đến là giá điện bán cho các dịch vụ và thương mại, sau cùng là giá bán điện cho công nghiệp. Trong khi đó, ở nước ta trình tự ngược lại. Vì vậy trước nhất cần thay đổi cấu trúc biểu giá. Thứ hai là tái cấu trúc và cải tổ ngành điện. Với cách làm như hiện nay, tăng giá bao giờ cũng được hiểu là “sự áp đặt” của nhà độc quyền, nó luôn tạo ra những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Vô hình trung cơ chế định giá hiện nay của ngành điện khiến cho con đường phát triển của nó trở nên rất hẹp. Tình trạng này không phải riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng gặp phải khi chưa thị trường hóa ngành điện. Khi cơ chế độc quyền bị bãi bỏ, tự thị trường sẽ định đoạt giá cả, cân đối cung cầu.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực