Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu

Thứ ba, 04/07/2017 09:48
(ĐCSVN) – Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hàng năm, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp trên 50% sản lượng gạo cho quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước.

Chính vì vậy, để đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, thời gian tới, ngành nông nghiệp của khu vực này sẽ phải cơ cấu lại và phát triển bền vững trên cơ sở liên kết vùng, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gần 40.000km2, dân số gần 18 triệu người (chiếm khoảng 12% diện tích đất và 22% dân số cả nước). Đây là vùng đất có vị trí chiến lược của cả nước, với 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp biển Đông và biển Tây Nam, có đường bờ biển dài hơn 700km với 360.000km2, vùng đặc quyền kinh tế, có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Hằng năm, toàn Vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, thu ngoại tệ khoảng 3 tỉ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được một số thành tựu quan trọng, đó là  người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ. Đặc biệt gần đây, chủ trương liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy, mà điển hình là sự thành công bước đầu của mô hình “Cánh đồng lớn”. Theo đó, mỗi ha lúa tham gia canh tác trong “Cánh đồng lớn” người nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất 10%-5%, giá trị sản lượng tăng lên 20%-25%, thu lợi nhuận thêm 2,2-7,5 triệu đồng.


Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

 

Ngoài sản phẩm lúa gạo, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xây dựng được các mô hình tổ chức liên kết chăn nuôi và nuôi trồng chế biến thủy sản. Điểm nổi bật của những mô hình này là doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư cho nông dân, là người tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo đảm thị trường tiêu thụ. Nông dân là người trực tiếp sản xuất, nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Những mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp kể trên đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2011 - 2020”. Theo đó, phương hướng, mục tiêu phát triển đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 được xác định là: “Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia có quy mô lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao… Tập trung hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp năng lượng, sinh hóa, công nghiệp chế tác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hình thành cơ cấu hệ thống đê điều, cống đập ngăn mặn, ứng phó với nước biển dâng và tác động của thượng nguồn sông Mê Công…”.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam đã xây dựng “Đề án Liên kết vùng với sự tham gia “4 nhà” để hỗ trợ và phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long” trong thời gian tới.

Mục tiêu chung của Đề án là: Phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long thông qua liên kết vùng với sự tham gia của “ 4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông), làm nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách cải tiến năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long bền vững./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực