Dự báo 3 kịch bản kinh tế với giả định chung đã tiêm vắc-xin và khống chế tốt dịch bệnh

Thứ tư, 21/07/2021 23:54
(ĐCSVN) - Dựa trên tình hình thực tiễn, các kịch bản dự báo kinh tế đã được đề xuất, trong đó đều chung giả định là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vắc-xin vào đầu Quý 4/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế được khôi phục và căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị được làm dịu hơn. Tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Năm 2021 kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6-6,3%

Chiều nay (21/7), Tọa đàm trực tuyến công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2021 đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế. Đây là hoạt động thường xuyên, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia tổ chức.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% trong Quý 2/2021  (Ảnh: HNV)

Báo cáo tình hình kinh tế quý 2/2021 tại Tọa đàm trực tuyến nêu rõ, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã cho thấy tín hiệu phục hồi trong Quý 1/2021. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng virus mới và việc triển khai vắc-xin còn đình trệ do thiếu nguồn cung là những mối nguy cơ mới dẫn đến sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia.

Tính đúng đắn của chính sách tiêm chủng mở rộng và triển khai các chương trình hỗ trợ lao động

Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng nhau thảo luận và thống nhất, kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến đã khiến giá cả nhiều mặt hàng đồng loạt tăng cao do chuỗi cung ứng không đáp ứng kịp xu hướng tăng nhanh của nhu cầu tiêu dùng và thương mại hàng hóa thế giới. Riêng kinh tế Trung Quốc hồi phục ấn tượng trong Quý 1/2021. Tuy nhiên, sản xuất và dịch vụ trong Quý 2 còn gặp nhiều bất trắc trước tình hình lạm phát gia tăng. Kinh tế Mỹ phục hồi tốt nhờ chính sách tiêm chủng và các chương trình hỗ trợ đạt hiệu quả. Duy trì quan điểm cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời, Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25% và mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Châu Âu tiếp tục suy giảm kinh tế trong Quý 1/2021 do dịch bệnh tái bùng phát. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế đã sáng lên trong Quý 2 nhờ tiến trình tiêm chủng được thúc đẩy, số ca mới và nhập viện giảm mạnh, tạo điều kiện cho nhiều quốc gia châu Âu mở cửa trở lại.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,61% trong Quý 2/2021. Tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trong 6 tháng đầu năm. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Ngoài tác động bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh thêm chi phí sản xuất do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải và giá thuê đất tăng. Lạm phát bình quân Quý 2/2021 tăng 2,67%, trong 6 tháng đầu năm tăng 1,47% - thấp nhất kể từ năm 2016, nhưng có nhiều sức ép gia tăng do chi phí sản xuất tăng cao và sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống bệnh dịch. Cán cân thương mại thâm hụt do nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất của các doanh nghiệp nhằm phục hồi lại quá trình sản xuất. Lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng trở lại kể từ sau tháng 2. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 được dự báo tăng 4,5% – 5,1%, thấp hơn 1,2 – 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

 Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

(Ảnh chụp lại từ màn hình trực tuyến. HNV)

Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ vào độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 của các quốc gia được mở rộng. Một số quốc gia đang có kế hoạch mở cửa trở lại sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh trong Quý 3. Trong đó, nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc có mức hồi phục nổi bật nhất kể từ đầu năm 2021. Các nền kinh tế thuộc châu Âu vẫn trong tình trạng suy giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, tình hình kiểm sóat dịch bệnh cùng với việc mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin đã giúp nhiều quốc gia châu Âu mở cửa và có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Phân tích, đánh giá về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cũng đồng tình rằng, do Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối Quý 1 nên đã giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang mở cửa trở lại và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, tận dụng tốt hiệp định EVFTA để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột  thương mại Mỹ - Trung và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức thâp được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong giữa và cuối Quý 2 đã tiếp tục làm giám đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương đang bùng phát dịch. Mặt khác, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.

Hạ mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 4,5-5,1%

Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây. Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào: tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

 Các đại biểu thảo luận, trình bày quan điểm. (Ảnh chụp lại từ màn hình trực tuyến. HNV)

Dựa trên tình hình thực tiễn, các kịch bản dự báo kinh tế đã được đề xuất, trong đó đều chung giả định là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vắc-xin vào đầu Quý 4/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế được khôi phục và căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị được làm dịu hơn. Tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Cụ thể, kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối Quý 3/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới Quý 4, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Dịp này, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, nhất trí rằng, nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng diễn biến phức tạp trước tình trạng lây lan phức tạp của dịch bệnh trong cuối Quý 2/ 2021 và đầu Quý 3/2021, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân cũng như quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của VIệt Nam.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia cùng chung khuyến nghị, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức./.

Đồng thời, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải./..

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực