Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 từ 2-2,5%

Thứ tư, 20/10/2021 11:15
(ĐCSVN) - GDP quý III/2021 giảm 6,17% so cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV, GDP năm 2021 được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% thời điểm tháng 8/2021.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% so cùng kỳ năm trước khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tương đối vững, tăng trưởng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý II/2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1,0 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian. Mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% so quý II và 12,1% so với cùng kỳ năm trước, một bước lùi đáng kể trong quá trình phục hồi thu nhập bắt đầu từ quý III/2020. Diễn biến xấu đi của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

Các nhà máy sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đều hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn do các hạn chế đi lại được áp dụng. Trong khi đó, các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc (trừ Hà Nội) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ kiểm soát đại dịch thành công. Do các nhà máy sản xuất điện thoại và thiết bị viễn thông chủ yếu đặt ở miền Bắc, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng trưởng 19,6% (so với tháng trước) và 10,1% (so cùng kỳ năm trước), ghi dấu một trong những điểm sáng ít ỏi của ngành công nghiệp. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 40,2 trong tháng 9, cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, trong đó có gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trở lại, nhưng còn thấp hơn nhiều so với trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% (so tháng trước), là lần tăng đầu tiên sau 4 tháng giảm liên tiếp. Diễn biến tích cực này phản ánh một số biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng và khả năng nhu cầu tiêu dùng vốn bị dồn nén được giải phóng. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn 28,4% so với một năm trước đó, do vẫn còn nhiều hạn chế chưa được gỡ bỏ, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 4,5% so với tháng trước trong khi doanh thu dịch vụ tiêu dùng bật tăng mạnh hơn, ở mức đến 23,1% trong tháng 9.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Vốn FDI đăng ký tháng 9 tăng 26,1% so với tháng trước, một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 90,7% so tháng trước, trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc. Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% so với tháng trước, mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát vẫn ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,7% so tháng 8. Mức giảm này một phần do chi phí nhà ở thấp hơn khi tiền thuê nhà và giá điện nước sinh hoạt giảm ở các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nhằm hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng vượt qua khủng hoảng. Học phí giảm cũng góp phần làm giảm áp lực lạm phát. Giá lương thực thực phẩm chững lại khi các tỉnh từng bước nới lỏng hạn chế đi lại và theo đó là gỡ bỏ những nút thắt trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Trong khi đó giá cả hàng hóa và dịch vụ khác đi ngang do nhu cầu trong nước còn yếu. So với năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,1%, thấp hơn so với tháng 8 (tăng 2,8%) và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát ở mức 4,0%.

Cân đối ngân sách từ đầu năm đến nay vẫn bội thu mặc dù ghi nhận bội chi trong tháng 9. Trong 9 tháng đầu năm, ngân sách ghi nhận bội thu ở mức 46,6 nghìn tỷ đồng, do tổng chi giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi tổng thu tăng 10,5% nhờ kết quả thu khởi sắc trong nửa đầu năm. Ngược lại, ngân sách tháng 9 ghi nhận mức bội chi lớn nhất kể từ đầu năm, khi thu ngân sách giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước, có thể do hoạt động kinh tế bị chững lại. Về chi ngân sách, sau khi giảm mạnh trong tháng 8, giải ngân vốn đầu tư công tăng 3,9% trong tháng 9; trong khi đó, mặc dù phải tăng chi để kiểm soát đợt dịch lần thứ tư và để hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình, nhưng chi thường xuyên vẫn giảm 3,6% trong tháng 8 và 12,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9, một số biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung được thông qua, trong đó có gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 10. Gói hỗ trợ này chủ yếu bao gồm miễn giảm thuế do hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giảm doanh số và các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền cũng phê duyệt gói giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng trong đợt dịch đang diễn ra...

Nhìn chung, qua kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau một giai đoạn cách ly xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại. Việc nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Giúp gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vắc xin và khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên. Các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trước hết, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu. Thứ hai, mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình, sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc. Thứ ba, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực