Du lịch và thủy hải sản: Hai trụ cột kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ ba, 14/11/2023 13:37
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về du lịch và nuôi trồng thủy sản, nên việc lấy thủy sản để nuôi du lịch và lấy du lịch để nuôi lại thủy sản là một chính sách phát triển rất hợp lý của địa phương này.
 Khách du lịch tham quan làng bè nuôi thủy sản ở TP Vũng Tàu. (Ảnh: K.V)

Với lợi thế bờ biển dài và các hệ sinh thái quan trọng như cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô,... Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản kết hợp với du lịch. Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có thể tổ chức hội chợ, các cuộc triển lãm, giao lưu ẩm thực để thu hút du khách cũng như xúc tiến thương mại cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, tỉnh phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc.

Ngoài trữ lượng hải sản tự nhiên dồi dào, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có những mô hình nuôi trồng thủy sản trên các làng bè ở TP Vũng Tàu; huyện Côn Đảo.v.v…Cụ thể như tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, sản lượng các loài thủy sản ở đây đạt khoảng từ 15.000 đến 20.000 tấn/năm.

Định hướng phát triển của ngành thủy sản TP Vũng Tàu tới năm 2030 là phát triển khai thác phải đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái trên nguyên tắc phát triển bền vững, chú trọng đến hiệu quả kinh tế, không chạy theo sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác. Phát triển khai thác gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển.

Đối với nuôi trồng thủy sản, Thành phố sẽ sắp xếp quy hoạch nuôi trồng thủy sản gắn với yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ cảnh quan môi trường, tập trung phát triển các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao. Về chế biến hải sản, Thành phố tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở chế biến hải sản ra khỏi địa bàn thành phố Vũng Tàu, sắp xếp, bố trí các cơ sở chế biến hải sản tinh vào khu Chế biến hải sản tinh tại Trung tâm nghề cá lớn Đông Nam Bộ.

Tương tự tại huyện Côn Đảo, tham quan mô hình nuôi trai lấy ngọc và mua sắm ngọc trai đã trở thành hoạt động không thể thiếu khi du khách đến tham quan hòn đảo này. Nghề nuôi trai lấy ngọc ở Côn Đảo trải qua hơn chục năm hình thành và phát triển, giờ đây đã tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ nhu cầu mua sắm trang sức, quà lưu niệm của du khách. Với diện tích nuôi trồng hơn 100ha mặt nước, nghề nuôi trai lấy ngọc đã giúp hàng nghìn lao động sinh sống trên đảo này nâng cao chất lượng cuộc sống…

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở đang nghiên cứu, nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trên địa bàn. Đây là hướng đi mới không chỉ cho ngành du lịch mà còn là mô hình điểm của ngành nông nghiệp tỉnh này.

Hiện nay sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản là 16.153ha, với sản lượng nuôi thương phẩm hàng năm trung bình 20.486 tấn. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Củng với đó, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản, đó là tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; thả cá, tôm giống hàng năm…Với diện tích nuôi trồng thủy sản như trên, ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ. Để phát triển bền vững loại hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản.

Với hàng loạt các giải pháp phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản được tỉnh triển nhằm hướng đến mục tiêu đưa Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, góp phần đảm bảo an sinh, tạo sinh kế lâu dài lâu dài và bền vững cho người dân địa phương, đồng thời thu hút ngày càng đông lượng du khách trong và ngoài nước tới địa phương này để thưởng thức các sản phẩm từ ngành nghề nuôi trồng thủy sản.

Được biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu./..

Bảo Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực