Đức Trọng (Lâm Đồng) phát huy sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 01/07/2020 14:24
(ĐCSVN) – Sau hơn 10 năm (2016- 2020) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, huyện Đức Trọng đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra và trở thành huyện NTM thứ hai của Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên.

Ngày 24/6/2020, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020.

Phát huy sức mạnh nội lực

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đức Trọng đã vươn mình, bứt phá để có được diện mạo nông thôn mới khang trang, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. (Ảnh:  Thy Vũ)

Nếu 10 năm trước, Đức Trọng chỉ là một huyện thuần nông, thu nhập bình quân đầu người thấp, đạt 23 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kinh tế còn manh mún, nhỏ lẻ… Đến nay, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đức Trọng đã vươn mình, bứt phá, diện mạo nông thôn mới đã có những thay đổi khang trang, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Huyện Đức Trọng đến nay đã hội tụ đầy đủ các yếu tố trở thành đô thị loại 3.

Năm 2009, khi Trung ương chọn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là 1 trong 11 xã điểm của cả nước và là xã đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng thí điểm mô hình NTM, để cụ thể hóa chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện, Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 30/9/2011 và Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 24/10/2013 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Đức Trọng đạt chuẩn NTM vào năm 2016”; trên cơ sở đó, UBND huyện, các địa phương, các phòng, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy theo từng tháng, quý, năm.

Trong triển khai, chỉ đạo thực hiện chương trình, Huyện ủy luôn xác định và chỉ đạo thực hiện theo phương châm không nóng vội, chạy theo thành tích mà bỏ qua thực chất. Thực hiện có lộ trình, bước đi phù hợp, từ xã có điều kiện tốt làm trước đến xã khó khăn làm sau cùng; tiêu chí nào đã tiệm cận thì tập trung thực hiện trước để hoàn thành sớm, tiêu chí nào khó thì làm sau; phải tiến hành đồng bộ với quyết tâm cao từ huyện đến cơ sở và cộng đồng dân cư.

Huyện ủy Đức Trọng đã chỉ đạo Đảng bộ các xã xây dựng nghị quyết chỉ đạo, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc phối hợp với chính quyền, Ban Quản lý xây dựng NTM các xã hưởng ứng phong trào xây dựng NTM.

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, Đức Trọng đã xác định phát huy nội lực của nhân dân là chính, người dân tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn giúp đỡ và hỗ trợ một phần kinh phí để cùng Nhân dân xây dựng công trình.

Hơn 10 năm triển khai, toàn huyện đã huy động được hơn 5 nghìn tỷ đồng vào xây dựng NTM. Từ nguồn kinh phí này, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và các thiết chế văn hóa trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực.

Cụ thể, các tuyến đường giao thông quan trọng của xã và từ trung tâm xã đến huyện với tổng chiều dài 184,51 km được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại và kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải. Nổi bật nhất là việc phối hợp cùng các đơn vị đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, tạo điều kiện tốt nhất để khai thác hiệu quả dịch vụ vận tải hàng không ở Cảng hàng không Liên Khương, với sản lượng hành khách đạt trên 2 triệu lượt, tăng gấp 10 lần năm 2009; sản lượng hàng hóa - bưu kiện vận chuyển đạt hơn 7.300 tấn, tăng gấp 10,4 lần năm 2009; 8 hãng hàng không trong nước và quốc tế hoạt động tại Cảng hàng không Liên Khương…, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn.

Trên địa bàn huyện có 1 chợ trung tâm, chợ đầu mối nông sản có quy mô cấp tỉnh và 1 siêu thị đang xây dựng… đảm bảo cho hoạt động buôn bán, giao thương văn minh, hiện đại.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương…, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn, đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn, thường xuyên đạt 99,81%. Trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình phải sử dụng nước ô nhiễm, xóa sổ hoàn toàn nhà dột nát; 100% các trường học công lập các cấp đều có cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học cho con em toàn huyện; 100% các xã có nhà văn hóa, khu vui chơi, trung tâm văn hóa, thể thao được bố trí đầy đủ các phòng chức năng, công trình phụ trợ và cơ sở vật chất trang thiết bị đảm bảo tổ chức các hoạt động cộng đồng thường xuyên và tổ chức các sự kiện tập trung, hội nghị toàn xã… Nhiều văn phòng một cửa điện tử, 7 điểm cầu tại các xã được đưa vào sử dụng để phục vụ yêu cầu họp trực tuyến, giảm thời gian đi lại đối với các địa phương…

 Nông nghiệp công nghệ cao được huyện lựa chọn là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh: HM)

Nông nghiệp công nghệ cao là mũi nhọn

Xác định nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện nhằm tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, huyện Đức Trọng đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển lĩnh vực này.

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn huyện có khoảng 9,4 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 242 triệu đồng/ha/năm. Đáng kể nhất trong số đó là việc hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và quy mô sản xuất và địa bàn thực hiện, kinh tế hộ cũng có nhiều chuyển biến từ kỹ năng tổ chức sản xuất, kiến thức khoa học, nguồn lực đầu tư và sự chuyên môn hóa sản xuất. Ngày càng nhiều các hình thức liên kết hình thành và phát triển, đặc biệt là mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, gắn kết được sản xuất với thị trường, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, huyện có 26 tổ hợp tác, 4.049 hộ sản xuất nông nghiệp (chiếm 15% số hộ của huyện) tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Điển hình  như các chuỗi liên kết giữa nông dân với các công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Phong Thúy, Viên Sơn và các hợp tác xã An Phú, Tiến Huy… Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng lên rõ rệt, đạt 811,27 triệu đồng/người (năm 2019), bằng 3,53 lần so với năm 2011.

Cùng với đó, huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo và giải quyết việc làm cho các lao động trong địa phương. Từ năm 2011 - 2019, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 38 ngàn lao động, góp phần hạn chế lao động thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tạo ra thu nhập giúp cuộc sống ổn định và giảm nghèo bền vững. Chỉ trong năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo của từng xã đều đạt trên 25%.

Tuy là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (33,4% dân số), với 4 tôn giáo chính, tỷ lệ đồng bào theo các tôn giáo chiếm 47,57% dân số, song nhờ xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy tính dân chủ, thượng tôn pháp luật…, tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội luôn được đảm bảo, nhân dân đoàn kết, bác ái.

 Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngày 30/6/2020 Đức Trọng đã đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM. (Ảnh: Thy Vũ)

Với những nỗ lực toàn diện, không ngừng, đến nay, 14/14 xã trên địa bàn huyện Đức Trọng đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thị trấn Liên Nghĩa được công nhận văn minh đô thị. Đặc biệt, ngày 14/4/2020, huyện Đức Trọng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trong thời gian tới, 100% số xã của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 4 xã đăng ký xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức để Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Trọng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường đổi mới và phát triển./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực