Duy trì quyết tâm tạo động lực đột phá phát triển kinh tế ngay từ 2 tháng đầu 2024

Thứ tư, 06/03/2024 20:41
(ĐCSVN) - Tình hình kinh tế – xã hội tháng 2/2024 diễn ra trong bối cảnh cả nước đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hoạt động du lịch, dịch vụ nhìn chung sôi động. Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra, các mục tiêu tăng trưởng vẫn được bám sát để triển khai hiệu quả.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bức tranh kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 xuất hiện một số điểm sáng, trong đó phải kể đến, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng quy mô đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân; diện tích rừng bị thiệt hại giảm; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá so với cùng kỳ 2023. Đàn lợn và đàn gia cầm có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Ước tính đến cuối tháng 02/2024, tổng số lợn cả nước tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 2,1%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ 2023 với mức tăng 18,6%  (Ảnh: PV)

Một tin vui là, trong 2 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 9,2% so với cùng kỳ 2023, trong đó diện tích rừng bị cháy giảm 87,9%; diện tích rừng bị chặt, phá giảm 4,1%.

Đáng chú ý, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 2 ước tăng 4,3% so với cùng kỳ 2023, trong đó cá tra tăng 2,5% do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức khá; tôm thẻ chân trắng tăng 8,1%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 3,1%, trong đó cá tra tăng 2,4%; tôm thẻ chân trắng tăng 6,4%.

Số liệu thống kê nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 27,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 25,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 23,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 23,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,1%; dệt tăng 17,6%.

Thêm vào đó, hoạt động dịch vụ trong 2 tháng đầu năm 2024 diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ 2023, trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; vận chuyển hành khách tăng 9,2% và luân chuyển hành khách tăng 11,8%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 14%.

Hơn nữa, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ 2023 với mức tăng 18,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê nhận định, nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và người dân nên khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 ước đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ 2023; tính chung 2 tháng đầu năm 2024 khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ 2023.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,4% kế hoạch năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2023. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2023, cao nhất của 2 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Ước tính 2 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt hơn 59,8 nghìn tỷ đồng, bằng 8,4% kế hoạch năm và tăng 2,1% so với cùng kỳ 2023. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2024 đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 3,6 tỷ USD, gấp 2 lần.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Các cấp, các ngành đã triển khai giải pháp chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 7,8 nghìn tỷ đồng và 17,7 nghìn tấn gạo./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực