Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu dịp Tết nguyên đán tương đối ổn định

Chủ nhật, 22/01/2023 20:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết Quý Mão), Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, trái cây, một số mặt hàng thủy hải sản...
 Một số  siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn (Ảnh: M.P)

Bộ Tài chính cho biết, do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động từ trước, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Một số  siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh thành phố lớn.

Bộ Tài chính báo cáo diễn biến đáng chú ý tại một số địa phương có lượng tiêu dùng lớn. Tại Thủ đô Hà Nội, khu vực chợ Tía, Phú Xuyên, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú đa dạng, giá cả thị trường tương đối ổn định so với ngày thường, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, ổn định. Giá thịt bò bắp 290.000 đồng/kg, giò lụa 150.000 đồng/kg, cá chép 60.000 đồng/kg, phí trông giữ xe máy 5.000 đồng/lượt...

Tại chợ Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, giá thóc gạo tẻ thường 150.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Thịt lợn nạc thăn 155.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg, gà công nghiệp 90.000đ/kg, tăng 10.000 đồng/kg, giò lụa 220.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg.

Tại chợ Thổ Quan Khâm Thiên, Quận Đống Đa, chợ Kim Quan, Phường Việt Hưng, Quận Long Biên dù người mua đông, nhưng nguồn cung thực phẩm, hàng hóa nhiều, không có tình trạng khan hàng đẩy giá tăng cao.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngày 30 Tết, lượt khách đến các chợ  tập trung vào buổi sáng tăng so với ngày trước, chủ yếu mua hoa, trái cây và giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã giảm hẳn so ngày trước do nhiều tiểu thương đã ngưng kinh doanh nghỉ Tết; giá các mặt hàng thịt gia cầm tương đối ổn định. Tại các chợ lẻ, do lượng hàng hóa tham gia thị trường của các đơn vị bình ổn khá dồi dào, cùng với các chương trình giảm giá được thực hiện đồng loạt dịp cuối năm nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, đường, các mặt hàng phục vụ Tết (bia, nước ngọt, bánh mứt) ổn định; các mặt hàng còn lại tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, giá bán buôn các mặt hàng đa số ổn định. So năm trước, giá bán buôn các mặt hàng trái cây tăng giảm từ 6.000-20.000đ/kg như cam, bưởi, lê, nhãn, táo bi, vú sữa, mãng cầu tròn; riêng quýt tiều, quýt đường tăng 30.000đ/kg từ 60.000đ/kg lên 90.000đ/kg, xoài cát Hòa Lộc tăng 50.000đ/kg từ 80.000đ/kg lên 140.000đ/kg.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, so với cùng kỳ năm trước giá các mặt hàng rau củ quả, trái cây đa số tăng giảm phổ biến từ 25%-30% như cải thìa, rau nhút, khoai tây, đậu que, cà rốt, bầu, xoài cát Hòa Lộc, dưa hấu, quýt đường, bưởi năm roi…Giá heo hơi các loại ổn định so với ngày trước, hiện heo hơi loại ngon ở mức 58.500đ/kg, loại thường ở mức 54.500đ/kg. Tương tự xu hướng giá heo hơi, giá heo bên các loại ổn định so ngày trước, hiện heo bên loại ngon ở mức 80.000đ/kg, giá heo bên loại thường 70.000đ/kg, giảm 5.000-8.000đ/kg (7%-9%)...

Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá bán các mặt hàng thủy hải sản như tôm sú sống, tôm thẻ, mực ống, mực lẻ tăng từ 5,7%-11%, các mặt hàng còn lại ổn định so ngày trước; so cùng kỳ năm trước, giá bán các mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 15-20% như cá điêu hồng, cá hú, tôm sú sống, sò lông... Giá bán các mặt hàng thủy hải sản khô ổn định so ngày trước và so cùng kỳ năm trước, giá bán các mặt hàng thủy hải sản khô đa số tăng 9%-20%.

Tại Đà Nẵng, thị trường Tết hôm nay diễn biến sôi động và nhộn nhịp nhất do sức mua của người tiêu dùng lúc này tăng cao. Các siêu thị, chợ, hộ kinh doanh đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường nên đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, chủng loại đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân...

Tại Cần Thơ, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ tăng từ 10-15% so với những ngày trước Tết, chủ yếu tăng ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như: Rau củ quả, hàng thực phẩm công nghệ, nguyên nhân do nhu cầu tăng, người dân mua tích trữ phục vụ ngày Tết...

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn với Sở Công Thương nên giá cả các mặt hàng vẫn ổn định. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nên giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, rau củ quả, bánh mứt giá được khuyến mại giảm từ 10-20%. Nhu cầu mua sắm của người dân về các giỏ hàng, bia, nước ngọt tăng từ 10% - 20%, sức mua tăng từ 5% - 10%.

Lượng khách tại bến xe Trung tâm tăng hơn so với các năm 2022. Các Công ty cung cấp dịch vụ vận tải hành khách thực hiện tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều để thực hiện tốt công tác giải toả hành khách nhằm phục tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023. Giá cước taxi trên 0,5 km đến km thứ 30 là 15.000 đồng/km (xe 5 chỗ)...

Nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ trước để phục vụ cho người dân mua sắm dịp Tết, nhờ đó giá cả một số mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Bộ Tài chính cho rằng, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày Mùng 1 Tết là ngày đầu tiên của năm mới không có sự biến động bất thường do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm không nhiều, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết. Đồng thời, tại các tỉnh, thành phố lớn một số siêu thị cửa hàng phục vụ xuyên Tết. Đến khoảng trưa ngày mùng 1 một số cửa hàng cũng dần mở của đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ. Dịch vụ trông giữ xe, cửa hàng ăn uống, đồ lễ thắp hương thường tăng theo quy luật hàng năm do nhu cầu đầu năm đi lễ.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực