Hà Nội: Tiếp tục đổi mới sáng tạo trong thực hiện công tác dân tộc

Thứ năm, 24/10/2024 09:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được Ban Dân tộc Hà Nội triển khai trong tham mưu cơ chế, chính sách nhằm góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, Thành phố đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thành phố đã uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 8.000 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn giải quyết việc làm.  

Đến nay, Thành phố đã hoàn thành 32/35 chỉ tiêu thực hiện theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chỉ còn 3 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, đó là: 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông lâm nghiệp hàng hoá và chỉ tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020.

5 năm qua, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô tăng nhanh 

Với sự quan tâm sâu sát của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố và trên cơ sở tiềm lực kinh tế mạnh, Hà Nội có điều kiện đầu tư lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung là xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Cùng với quyết tâm đến cuối năm 2025, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Thành phố đã kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 2.644,09 tỷ đồng, gồm 176 dự án. Như vậy, Thành phố đã bổ sung gần 3.142 tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô có ưu thế là đất đai rộng, công tác quy hoạch được chú trọng, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng bài bản, tuân thủ đúng quy hoạch, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, công trình điện sinh hoạt, thiết chế văn hoá… nên đã phát triển theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo ra tiền đề căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô luôn đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt là dù quy định chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương song tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số đã giảm nhanh, từ 3,7% năm 2019 xuống 0,38% năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chỉ còn 0,2%. Thu nhập bình quân đầu người từ 35 triệu đồng/người/năm năm 2018 đã tăng lên 65 triệu đồng/người/năm, có xã đạt 70 triệu đồng/người/năm, thu hẹp đáng kể so với thu nhập bình quân của người dân ở vùng nông thôn ngoại thành. 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới và Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước sớm đạt được mục tiêu này.

 Hà Nội sẽ tập trung đổi mới sáng tạo trong phát triển sản xuất, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn (Trong ảnh: Sản xuất thuốc nam của đồng bào Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì)

Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, các nhiệm vụ, yêu cầu công việc đặt ra với Thành phố Hà Nội luôn lớn, cấp bách, khó khăn, phức tạp. Trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chung của Thành phố có nội dung về phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ này, 5 năm tới, một trong những tinh thần chỉ đạo, kim chỉ nam cho công tác dân tộc Thủ đô là tiếp tục phải đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ, những năm qua, Hà Nội đã thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo bằng cách đặt ra một số mục tiêu phấn đấu cao hơn, chẳng hạn về mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ dân số tiếp cận và chất lượng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Trong thời gian tới, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được thực hiện trên các chiều cạnh.

Cụ thể, về thể chế, bên cạnh việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Ban Dân tộc Hà Nội cùng với các sở, ban, ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với tình hình thực tiễn của Thủ đô. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố nhằm tạo sinh kế gắn với phát huy nội lực của đồng bào. 5 năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển hạ tầng cơ sở nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội; 5 năm tới, sẽ đổi mới tập trung đầu tư cho liên kết vùng, cho phát triển sản xuất, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đổi mới sáng tạo về ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính quyền các cấp, đồng bào và doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là những giải pháp chủ yếu, nếu tổ chức thực hiện tốt hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô, để toàn vùng sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - ông Nguyễn Nguyên Quân nói./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực