Hải Phòng: Hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Thứ bảy, 28/09/2024 19:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tại hội nghị, thông qua Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản trao tặng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3 bằng tiền mặt, thức ăn, con giống, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, phao và các vật tư khác với trị giá trên 160 tỷ đồng.

Ngày 28/9, tại TP Hải Phòng, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão. Dự hội nghị, về phía Bộ NN&PTNT có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh dạo các Cục: Thủy sản, Chăn nuôi, Thú y. Về phía TP Hải Phòng ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.

Tại hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT: Cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y,… thông tin về những thiệt hại sau cơn bão số 3 và đưa ra những giải pháp khôi phục sản xuất, những cảnh báo và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh để người dân tái sản xuất an toàn. Theo Cục Chăn nuôi, tổng hợp của các địa phương thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão: thiệt hại gia súc hơn 25.000 con, gia cầm hơn 3,1 triệu con. Các địa phương thiệt hại nhiều nhất: TP Hải Phòng, TP Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Yên Bái và tỉnh Thái Nguyên.

Trong khi bão xảy ra, Cục Chăn nuôi thành lập nhóm zalo các Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y địa phương để cập nhật tình hình tại cơ sở. Ngay sau khi bão xảy ra, từ ngày 10 đến 16/9/2024, Cục Chăn nuôi thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục tại 7 địa phương bị thiệt hại: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc. Sau khi bão tan, Cục Chăn nuôi chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau những ngày ngập lụt và mưa lũ; có kế hoạch cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; gia cố chuồng trại phục hồi và phát triển sản xuất sau thiên tai, xây dựng các giải pháp khắc phục phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất 

Theo ông Phạm Kim Đăng, Cục phó Cục Chăn nuôi, đơn vị chỉ đạo chính quyền cơ sở thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất theo Nghị định số 2 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, xây dựng kịch bản về nguồn cung giống gia cầm 1 ngày tuổi để hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm về cơ bản vẫn được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trên 27 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng do bão Yagi, ghi nhận 15 ổ dịch bệnh dại tại 15 tỉnh, thành phố. Hiện nay, có 14 ổ dịch dại trên động vật tại 9 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Dự báo thời gian tới, tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh động vật bùng phát rất cao. Cục Thú y đang tiếp nhận các văn bản đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất sát trùng dự trữ quốc gia của các địa phương để xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ. Các tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị hỗ trợ vắc xin, hóa chất nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) để phòng, chống dịch bệnh động vật sau bão số 3 gồm: Thái Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Phòng. Cục Thú y đang rà soát hồ sơ đề nghị, cân đối lượng tồn kho trình Bộ NN& PTNT ban hành Quyết định xuất cấp DTQG hỗ trợ địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y: đến nay, cơ bản có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương, các doanh nghiệp và người chăn nuôi”.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, báo cáo sơ bộ các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 6,1 nghìn tỷ đồng. Cục Thủy sản tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành công văn số gửi các tỉnh phía Bắc về việc khẩn trương tổ chức các giải pháp khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3. Đồng thời, liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.

Trước mắt, thống kê đầy đủ thiệt hại nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Bắc ảnh hưởng do bão số 3, đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm. Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại. Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng thả giống khi điều kiện cho phép.

Tại hội nghị, đại diện Sở NN-PTNT 27 tỉnh, thành các doanh nghiệp, hiệp hội thông tin về những khó khăn phục hồi sản xuất, đồng thời truyền tải những mong muốn của người dân về những hỗ trợ cấp thiết để tái sản xuất. Các doanh nghiệp, hiệp hội cơ bản đều có thiệt hại nhưng có những chia sẻ kịp thời với người dân và các địa phương trên tinh thần tương thân, tương ái.

Qua khảo sát tại các địa phương, các trang trại đều bị tốc mái, đổ tường, hệ thống điện cung cấp cho trang trại bị gãy đổ hiện nay không thể cung cấp điện cho các trang trại. Đàn vật nuôi của các trang trại do không có mái che, gặp mưa nên chết nhiều, các trang trại vùng bị ngập không kịp di dời vật nuôi do nước lũ dâng lên nhanh dẫn đến gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại lớn, chuồng nuôi bị ngập, sụt mái, máy phát điện bị hỏng, kho cám bị tốc mái.

Các địa phương đều mong muốn Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân bị thiệt hại về giãn hoãn, giảm thuế, lệ phí, phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay,... bảo đảm có thể tiếp cận được ngay nguồn vốn để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với Bộ NN-PTNT, các địa phương đang cần hỗ trợ vật tư, thuốc thú y phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm bị nước ngập vào chuồng, hỗ trợ con giống vật nuôi để phục vụ tái đàn. Cần rà soát, điều chỉnh các quy định, tiêu chuẩn của các ngành, lĩnh vực để phù hợp với biến đổi khí hậu và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá thiệt hại sau bão cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn, Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc, các địa phương đang rất tích cực khắc phục hậu quả mưa bão, đồng hành với người dân để sớm khôi phục sản xuất. Việc dự báo, ứng phó bão của các địa phương, đơn vị đã làm tốt, giờ là lúc tập trung khắc phục hậu quả. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các hội nghị chuyên sâu cho từng lĩnh vực. Các địa phương chuẩn bị con giống, phương án chăn nuôi. Người chăn nuôi tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, mua vật tư, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ quan chuyên môn đa dạng hóa các đối tượng và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân.

Ngoài cơ chế theo Công điện 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ có cơ chế hoãn, giãn nợ,… cho các doanh nghiệp và người dân. Nông nghiệp có 3 yếu tố ảnh hưởng: dịch bệnh, mùa vụ và thị trường. Do đó, cần đa dạng hóa các đối tượng, có quy trình, tập huấn, hướng dẫn.

Tại hội nghị, thông qua Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản trao tặng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3 bằng tiền mặt, thức ăn, con giống, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, phao và các vật tư khác với trị giá trên 160 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thủy sản hơn 90 tỷ đồng, lĩnh vực chăn nuôi hơn 70 tỷ đồng. Đây là sự chia sẻ quý giá, nguồn kinh phí tự nguyện, thể hiện quyết tâm của các doanh nghiệp với người dân./.

Ngô Quảng- Đăng Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực