|
Ngành Hải quan chủ động điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa (Ảnh: M.P) |
Kịp thời đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ công tác xuất nhập khẩu
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lầ thứ tư từ đầu tháng 5/2021 đến nay đã diễn ra rất nhanh, mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tập trung vào các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đông dân cư và người lao động, đặc biệt đây là các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều địa phương trong cả nước đã phải tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức độ cao hơn, nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng, nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, việc khôi phục và đảy mạnh hoạt động thương mại, kinh doanh, xuất nhập khẩu là hết sức cần thiết và cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước.
Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, cụ thể như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh để tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, bên cạnh các giải pháp về tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.
Nghiêm túc thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong việc dồn sức hỗ trợ người dân và công đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với nhiều diễn biến phức tạp. Đơn cử, để kịp thời giải quyết triệt để, rứt điểm những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng thời tạo cơ sở pháp lý minh bạch, thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính ban hành các Thông tư với nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể như, ngày 30/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Tài chính cho phép hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD nhằm tránh ùn tắc tại các cảng biển.
Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, dự thảo Thông tư “quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19”. Ngày 8/12/2021, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính xem xét ban hành Thông tư.
Ngày 7/12/2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm nội dung gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi tại kho ngoại quan. Đến thời điểm này, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đối với báo cáo của Chính phủ.
Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp tổ chức ngày 15/12, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nêu rõ, đất nước ta đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Việc Việt Nam vào top 30 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và tăng hạng khá nhanh so các nước khác là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam và minh chứng cho những quyết tâm chính trị, những hoạt động hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua. Ngay từ đầu từ năm 2020, đặc biệt là năm 2021, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Tổng cục Hải quan luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên với các giải pháp đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ.
|
Ngành hải quan cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp cụ thể để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp (Ảnh: M.P) |
Chủ động đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa
Thực tế cho thấy, Tổng cục Hải quan đã kịp thời và chủ động triển khai nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực tế, bên cạnh các giải pháp về chính sách mang tính pháp lý, ngành hải quan cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp cụ thể để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các giải pháp này đã được cồng đồng doanh nghiệp ghi nhận về hiệu quả tạo thuận lợi thương mại.
Cụ thể như: Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá. Hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng. Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả.
Đặc biệt, đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật, các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động, linh hoạt đề xuất, xây dựng và triển khai nhóm giải pháp về tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa. Cụ thể, để đảm bảo nguồn lực thực hiện việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; cơ quan hải quan vừa phải đảm bảo việc thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ vừa phải triển khai các giải pháp về kỹ thuật, bố trí nhân lực để thực hiện việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển được thông suốt, đặc biệt là tại các cảng biển, cửa khẩu có hiện tượng ách tắc hàng hóa.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai các giải pháp sau: Chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp (về công nghệ thông tin, về hạ tầng, về trang thiết bị phòng chống dịch, về bố trí và đảm bảo an toàn cho lực lượng cán bộ công chức trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát… nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, để việc thông quan hàng hoá không bị gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Chỉ đạo triển khai thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá, đặc biệt là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 như: vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm… Chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí đủ số lượng cần thiết cán bộ công chức tại các bộ phận nghiệp vụ có liên quan làm việc trong ngày hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và các thủ tục quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp đảm bảo hoạt động thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, đối với một số mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch có yêu cầu thông quan nhanh và cần được bảo quản trong những điều kiện đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm… hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu khẩn cấp công tác phòng, chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh như: Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vaccine, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp; Chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vắc-xin nhập khẩu phục vụ phòng chống dịch hoặc cho giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản đối với các trường hợp chưa đủ hồ sơ hải quan theo quy định (chưa có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, tờ khai xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính…); Chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan.
Tận lực hỗ trợ các doanh nghiệp, giải tỏa ách tắc hàng hóa
Do đặc thù các mặt hàng nông sản được thu hoạch và xuất khẩu theo thời vụ nên thời điểm phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch dẫn đến hàng hóa bị ách tắc tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, giải tỏa ách tắc hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc; Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp; Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm;
Đặc biệt, Tổ cục Hải quan đã chủ động, kịp thời phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; Thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía Trung Quốc và tuyên truyền phố biến cho doanh nghiệp; trao đổi thông tin, gửi Công hàm cho phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản để rút ngắn thời gian thông quan.
Không chỉ vậy, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, Hội nghị trực tuyến hoặc tham gia các Hội nghị do Chính phủ, Bộ ngành tổ chức để kịp thời nắm bắt, tiếp thu, giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức “Hội nghị trực tuyến đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua COVID-19” với sự tham gia của đại diện Tổng cục Hải quan, một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai) và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; các Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp thành viên... để kịp thời giải đáp, hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cuộc cách mạng 4.0… sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó một trong các giải pháp chính là thực hiện hải quan số với các đặc trưng như: quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng nhất.