Hậu Giang: Cải cách hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Chủ nhật, 21/01/2024 09:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025, công tác CCHC được quan tâm chỉ đạo, nhất là các TTHC được niêm yết, công khai đầy đủ; các dịch vụ công được tích hợp kịp thời đã đem lại tiện ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Các cấp, các ngành trong tỉnh Hậu Giang tích cực tuyên truyền cho người dân thực hiện CCTTHC.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 – 2025 cho biết: Các cấp uỷ đảng, chính quyền xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị quyết số 03-NQ/TU đã triển khai đến tất cả các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Đã có 19 sở, ban, ngành tỉnh, 09 cơ quan ngành dọc, 04 đơn vị sự nghiệp tỉnh và 08 huyện, thị xã, thành phố báo cáo việc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 03-NQ/TU, đến tận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động bằng nhiều hình thức phù hợp như: Thông qua buổi Họp chi bộ, họp giao ban, sinh hoạt “Ngày pháp luật”, sao gửi văn bản và Trang thông tin điện tử,…

UBND tỉnh Hậu Giang đã tập trung 06 nội dung công tác cải cách hành chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức tổ chức thực hiện để các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện; đồng thời, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các TTHC theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng công tác CCHC nói chung và nâng cao chất lượng các chỉ số của Tỉnh trong lĩnh vực CCHC (PAR INDEX, PCI, SIPAS và PAPI) nói riêng, điển hình một số cơ quan, đơn vị thực hiện tốt.

Việc chỉ đạo, điều hành công tác CCHC luôn được quan tâm, chú trọng, trong đó tập trung việc cải cách TTHC, thường xuyên chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các TTHC đã ban hành, để kịp thời phát hiện và loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp; gắn việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, không ban hành thêm TTHC ngoài quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin có nhiều tiến bộ, dịch vụ công trực tuyến dần phát huy được hiệu quả. Các ứng dụng chính quyền điện tử, đô thị thông minh triển khai trong thời gian qua đã đi vào vận hành ổn định và mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng tính minh bạch, tính tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, được người dân đồng thuận và đánh giá cao.

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cùng với nhiều tiềm năng, lợi thế đang đưa Hậu Giang trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Song bên cạnh đó, hàng năm tỉnh cũng thành lập Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công tác CCHC và công vụ; Dân vận chính quyền và Quy chế dân chủ, gắn việc đột xuất kiểm tra tại các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Nội dung kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC, công tác tổ chức triển khai thực hiện CCHC trên các lĩnh vực: Chỉ đạo, điều hành thực hiện CCHC; thể chế; kiểm soát, TTHC; tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính, các giải pháp nâng cao các Chỉ số cạnh tranh của tỉnh. Kết quả kiểm tra (từ năm 2021 đến hết 9/2023) là 122 lượt đơn vị (26 lượt đơn vị cấp tỉnh, 32 lượt cấp huyện, 64 lượt cấp xã). Qua kiểm tra, Đoàn đã thông báo kết luận, đề nghị khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót ở một số mặt công tác trong CCHC. Thông qua đó, hàng năm tỉnh đã tổ chức đánh giá, xếp loại công tác CCHC đối với các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Công tác cải cách TTHC được tỉnh Hậu Giang triển khai quyết liệt. Tỉnh đã ban hành 89 quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung 789 TTHC, bãi bỏ 124 TTHC. Trong đó, đã cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 354 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở, ban, ngành tỉnh với tổng 1.854 TTHC được công bố. Trong đó, cấp tỉnh 1.434 thủ tục, cấp huyện 265 thủ tục, cấp xã 155 thủ tục; trong đó có 114 thủ tục dùng chung 03 cấp hoặc 02 cấp, số TTHC liên thông cùng cấp 1.407 thủ tục, số TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền 420 thủ tục. Ban hành các quy trình nội bộ giải quyết TTHC các ngành, địa phương có ứng dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO  90014:2015 để làm cơ sở xây dựng quy trình điện tử. Hiện đã đưa tất cả 1.854 TTHC áp dụng quy trình điện tử tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Trong đó, đã có 151 TTHC thực hiện 5 tại chỗ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, ban hành và sửa đổi, bổ sung 15 Quy chế phối hợp giải quyết liên thông với trên 170 TTHC...

Toàn tỉnh đã thực hiện đạt 100% cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Kế hoạch phối hợp số 1348/KHPH-UBNDTHG-TCTBĐVN ngày 03/6/2019 giữa UBND tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tỉnh cũng chú trọng thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, qua việc phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từng bước triển khai có hiệu quả Đề án kiện toàn tổng thể bộ máy, CCVC các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, Đề án tinh giản biên chế trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh CCHC và xây dựng chính quyền điện tử, cải cách công vụ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp. Tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá thực trạng triển khai, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, kết hợp quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…/.

Bài, Ảnh: Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực