Hậu Giang: Chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số

Thứ ba, 09/01/2024 21:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Chuyển đổi số ở Hậu Giang đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, được xem là yếu tố góp phần giúp địa phương bứt phá trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Hậu Giang xếp thứ 17/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số, năm 2022 Hậu Giang nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Những kết quả đó cho thấy sự quyết liệt của tỉnh Hậu Giang trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Hậu Giang đã chủ động trong thực hiện công tác chuyển đổi số.
(Ảnh : PĐ )

Để đạt được vị trí như vậy, tỉnh đã rất quyết tâm và đồng lòng, từ lãnh đạo cho đến người dân và doanh nghiệp. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 thông qua Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025”; Nghị quyết về phụ cấp cho cán bộ chuyên trách CNTT...

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay Hậu Giang đạt được một số kết quả nổi bật: Thành lập được 525 tổ công nghệ số cộng đồng, với 3.740 thành viên tại các ấp, khu vực; cán bộ công chức và người dân đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới; các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như: ứng dụng di động Hậu Giang, cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy…

Kinh tế số, xã hội số của Hậu Giang bắt đầu được hình thành. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kinh phí chuyển đổi số cho UBND cấp huyện và cấp xã. Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023.

Tỉnh đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang 28,5ha, đã có 4 doanh nghiệp đăng ký, hiện đang triển khai xây dựng. Duy trì được thứ hạng 17/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh DTI.

Các dự án, nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực và các địa phương đang trong giai đoạn lập thủ tục triển khai thực hiện như: Y tế, lao động - thương binh và xã hội, xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh, triển khai nền tảng công nghệ blockchain phục vụ vận hành hệ thống lấy ý kiến điện tử của tỉnh…

Đặc biệt, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hậu Giang đã có nhiều sáng kiến bước đầu, hướng tới hiệu quả trong phục vụ cho người dân. Cụ thể như ứng dụng cho phép người dân nhận diện khuôn mặt, có thể tra cứu tình trạng hồ sơ, thay vì người dân phải nhớ mã hồ sơ của mình. Hiện nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở quy mô cấp tỉnh, đặc biệt là ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khá cao, trên 70%.

Cùng với đó, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang cũng đã chủ động trong thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân về vai trò của chuyển đổi số.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho phụ nữ nông thôn. (Ảnh: Báo Hậu Giang) 

Để người dân tham gia, trải nghiệm các tiện ích số, huyện Phụng Hiệp đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số. Xác định chuyển đổi số là công việc mới mẻ với người dân, toàn huyện đã thành lập được 15 ban chỉ đạo về chuyển đổi số cấp xã, thị trấn và 128 tổ công nghệ số cộng đồng ở các ấp, với 906 thành viên tham gia. Huyện cũng đã thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua hội nghị và hệ thống trang thông tin điển tử, báo đài.

Huyện cũng đã trang bị hệ thống thiết bị phần mềm cho khu vực hành chính công để tối ưu hoá việc giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng. 100% cơ quan hành chính trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Phát huy những tiện ích từ chuyển đổi số mang lại, Hội Phụ nữ huyện Châu Thành đã tích cực lan tỏa những lợi ích thiết thực từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, nhất là phụ nữ nông thôn. Hội Phụ nữ huyện Châu Thành đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nông thôn thông qua nhiều mô hình hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Tổ phụ nữ, tiểu thương thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh”; mô hình “Chợ 4.0”…/..

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực