Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp

Thứ ba, 26/03/2024 10:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Tỉnh Hậu Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nâng cao tỷ lệ người dân ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong canh tác lúa nhằm tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Hậu Giang đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao. 

Hậu Giang là tỉnh thuần nông với trên 86% diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa gieo trồng hàng năm đạt trên 177.000ha, sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Riêng vụ Đông xuân 2023 - 2024, diện tích xuống giống đạt hơn 74.000ha, ước sản lượng gần 600.000 tấn. Hiện tại, giá trị sản xuất lúa của tỉnh chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất khu vực I (lĩnh vực nông nghiệp). Hàng năm, thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể từ tư duy đến tập quán canh tác.

Tỉnh Hậu Giang đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nâng cao tỷ lệ người dân ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong canh tác lúa nhằm tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Đặc biệt, từ kết quả khả quan của mô hình trình diễn quy trình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện tại xã Vị Trung và Vị Bình của huyện Vị Thủy là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng và thực hiện có hiệu quả theo mục tiêu Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Hiện tại, tỉnh Hậu Giang đã hình thành được các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng chuyên cung cấp các dịch vụ và phục vụ nhu cầu về sử dụng cơ giới hóa cho sản xuất lúa của người dân. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả cách làm “cánh đồng lúa không dấu chân” để giúp người dân làm ruộng nhưng chẳng khi nào chân lấm tay bùn, mà thay vào đó là tận dụng tối đa máy móc, thiết bị thông minh vào sản xuất.

Song song với đó, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha. Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai khoảng 28.000ha lúa chất lượng cao; đến năm 2030 sẽ tăng lên 46.000ha theo mục tiêu Đề án phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Bên cạnh cây lúa, nông dân Hậu Giang đã và đang thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên nhiều lĩnh vực cây trồng, vật nuôi đang tạo đột phá mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, đặc biệt là áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác. Trong đó, nhiều diện tích từ cây chanh không hạt, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, mít,… được nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ điều kiện xuất ngoại.

Ngoài cây ăn trái thì nhiều diện tích rau màu của tỉnh được nông dân trồng trong nhà màng khép kín gắn với hệ thống tưới nước nhỏ giọt và trồng rau màu theo mô hình thủy canh sinh thái. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh cũng phát triển ổn định theo nhu cầu thị trường; còn thủy sản, nông dân Hậu Giang tập trung vào một số loài đặc trưng như: cá thát lát, cá tra, lươn đồng, ba ba…

Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với 39.870 lượt hộ tham gia, diện tích 38.656ha. Trong đó, cây lúa có 25 doanh nghiệp, 30 HTX liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với 39.145 lượt hộ tham gia, diện tích 37.808ha. Hình thức bao tiêu cuối vụ, cung ứng giống kết hợp bao tiêu hoặc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu. Giá bao tiêu được chốt trước thu hoạch 7-10 ngày theo giá thị trường hoặc cao hơn 50 đến 1.000 đồng/kg tùy theo chủng loại giống và đơn vị bao tiêu.

Riêng đối với cây ăn trái, có 7 doanh nghiệp, 8 HTX liên kết bao tiêu với 725 hộ tham gia, diện tích 848ha. Cụ thể, chanh không hạt có 3 doanh nghiệp, 3 HTX liên kết bao tiêu với 123 hộ tham gia, diện tích 220ha; cây bưởi liên kết bao tiêu 2 HTX với 70 hộ, diện tích 53ha; mít có 2 doanh nghiệp, 1 HTX liên kết bao tiêu với 8 hộ tham gia, diện tích 55ha và cây khóm có 2 doanh nghiệp, 2 HTX liên kết bao tiêu với 524 hộ tham gia, diện tích 520ha.

Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 và các thiết bị canh tác hiện đại trên địa bàn tỉnh đã giúp giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỉnh Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực