|
Do giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tàu cá ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã phải nằm bờ trong thời gian dài. (Ảnh: K.V) |
Trong đó, tàu cá của huyện Long Điền đậu bờ nhiều nhất 400 chiếc/2.400 thuyền viên. Kế đến là TP. Vũng Tàu 205 chiếc, huyện Xuyên Mộc 44 chiếc, huyện Đất Đỏ 27 chiếc… Nhiều tàu cá đang phải nằm bờ vài tháng nay do giá nhiên liệu tăng cao, nếu ra khơi chắc chắn sẽ thua lỗ. Ngư dân rất mong chờ Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ, nhất là chi phí nhiên liệu để họ tiếp tục vươn khơi bám biển.
Theo các ngư dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu, năm ngoái dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay giá xăng dầu liên tục biến động, có thời điểm tăng cao. Chính vì vậy, tàu cá của các ngư dân ở đây đã nằm bờ nhiều tháng nay, bởi cứ chuyến nào ra khơi cũng thua lỗ. Theo phản ánh của các chủ tàu cá và địa phương trên địa bàn Tỉnh, với giá dầu như hiện nay, tàu đi đánh bắt nhiều khả năng sẽ không mang lại hiệu quả. Chi phí chuyến biển quá cao, doanh thu không đủ bù chi phí, tình trạng thiếu lao động khai thác cũng đang gây khó khăn cho chủ tàu, dẫn đến tàu phải nằm bờ.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo số 14200/UBND-VP kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao đối với chủ tàu, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu đối với chủ tàu cá có tàu tạm ngưng hoạt động; hỗ trợ 3 triệu đồng/thuyền viên, người lao động trên tàu khai thác thủy sản đang tạm ngưng hoạt động. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị hỗ trợ tối đa 30% tổng số tiền chênh lệch giá dầu trong chuyến biển tham gia hoạt động khai thác thủy sản trong thời gian ảnh hưởng của giá dầu tăng. Báo cáo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu nêu rõ, việc tàu cá nằm bờ không thường xuyên hiện diện trên các ngư trường, vùng biển ảnh hưởng đến công tác an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Theo thống kê của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay khi giá xăng, dầu tăng cao mỗi chuyến biển ngư dân tàu lưới kéo (giã cào) sẽ phải bỏ ra chi phí tăng thêm so với thời điểm xăng dầu chưa tăng là 288 triệu đồng tiền dầu/chuyến biển; tàu lưới rê phải tăng thêm khoảng từ 64 đến 86 triệu đồng/chuyến biển và nghề câu, chụp chi phí tăng thêm mỗi chuyến biển từ 14 đến 28 triệu đồng/chuyến biển.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi các Bộ Công thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do giá xăng dầu tăng quá cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến nghề đánh bắt hải sản. Hiện số lượng tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu của vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân; trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản.
Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%. Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 - 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%. Trong khi, giá bán hải sản tăng không đáng kể. Những khó khăn vừa nêu dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Mặt khác, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên có mặt trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia./.