Những cánh đồng quất cảnh trên vùng đất bãi ven sông đã giúp nhiều hộ nông dân
ở xã Hồng Thái tăng thêm thu nhập. Ảnh QĐ
Đa dạng hoá cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi Điểm dễ nhận thấy nhất khi tiếp xúc với những người nông dân ở xã Hồng Thái đó là sự năng động, chịu khó, dám thử sức sản xuất những cây trồng mới theo hướng nông nghiệp hữu cơ sạch, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu dùng. Điển hình nhất là việc nhiều hộ đã mạnh dạn phát triển cây măng tây xanh trên đất bãi, một loại rau “khó tính” và đặc biệt tiêu tốn nhiều công sức của người sản xuất.
Bà Phan Thị Điệu, thôn Duyên Yết được biết đến là một trong những người đầu tiên ở xã Hồng Thái thực hiện thành công mô hình trồng cây măng tây xanh. Sau khi đi thăm quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả trên địa bàn thành phố, cuối năm 2013, bà Điệu đã quyết định chọn và đưa cây măng tây xanh vào sản xuất trên diện tích đất bãi của gia đình. Đến nay gia đình bà Điệu đã mở rộng diện tích lên 2ha trồng được hơn 20 nghìn gốc, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Bình quân mỗi ngày, gia đình bà Phan Thị Điệu thu hái được trên dưới 1 tạ măng tây xanh; với giá xuất bán tại bãi hiện nay khoảng 70.000-100.000 đồng/kg măng thương phẩm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình bà thu về khoảng 4,5 - 5 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng lợi nhuận thu được từ cây măng tây xanh này so với trồng lúa và các loại hoa màu khác là rất lớn.
Đến nay xã Hồng Thái đang mở rộng chuyển đổi cây trồng, phủ xanh cây măng tây xanh vùng đất bãi ven sông, phát triển măng tây thành cây trồng mũi nhọn, mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Ấm, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ, trồng rau màu là một trong những lợi thế lớn nhất của địa phương. Trong đó, ngoài diện tích trồng măng tây xanh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao tại khu vực vùng đất bãi bồi như trồng quất cảnh, trồng cam đường Canh… Bên cạnh đó, Hồng Thái cũng đang tập trung phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản với diện tích hơn 57 ha và chăn nuôi lợn với quy mô lớn.
Ông Tạ Đình Căn, chủ mô hình trang trại lớn nhất xã Hồng Thái cho biết: “Diện tích đất bãi là điều kiện thuận lợi để chúng tôi phát triển kinh tế trang trại theo hướng “đa cây, đa con” từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình và người lao động địa phương”.
Thiết thực nâng cao đời sống người dân
Về xã Hồng Thái những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì sự thay da đổi thịt của mảnh đất ven sông Hồng, nhất là sự thay đổi trên những khu đồng bãi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao đã xuất hiện ngày càng nhiều. Các trục đường chính được mở rộng và cứng hoá dẫn mọi người đến với những vùng trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi trồng thuỷ sản đã được quy hoạch khoa học, bài bản. Bóng dáng của những mô hình nhà màng lưới trồng rau màu công nghệ cao như minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Tìm hiểu được biết, việc tập trung khai thác thế mạnh vùng đất bãi đã không chỉ giúp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân mà còn tạo động lực quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Hồng Thái. Theo đồng chí Phạm Duy Hưng, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Thái, triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương quan tâm tới tiêu chí quy hoạch đầu tiên, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch sản xuất. Phát huy lợi thế của vùng đất bãi bồi ven sông Hồng, xã đã triển khai quy hoạch sản xuất theo hướng đi sâu khai thác lợi thế của từng thôn, phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao như: măng tây xanh, quất cảnh, chuối tiêu hồng, cam đường Canh… và quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.
Để nâng cao hiệu quả khai thác vùng đất bãi, xã Hồng Thái đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên tổ chức hàng chục lớp đào tạo, tập huấn cho người dân về kỹ thuật và phương pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các mô hình đa canh. Nhiều giống cây, con mới đã được đưa vào sản xuất trên quy mô lớn và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay thu nhập của người dân trên địa bàn xã đã được nâng lên rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, số hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm. Năm 2016, bình quân thu nhập của xã Hồng Thái đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,05%; hơn 94,2% lao động có việc làm thường xuyên…
Đời sống nâng cao, người dân trong xã cũng quan tâm nhiều hơn đến văn hoá, giáo dục. Nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm trên địa bàn xã đều có khoảng hơn 40 cháu học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, đầu tháng 3/2017, xã Hồng Thái vinh dự được UBND thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Đóng góp vào kết quả chung đó, có phần không nhỏ của các mô hình kinh tế trên vùng đất bãi bồi.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, để tiếp tục phát huy giá trị vùng đất bãi, thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh tổ chức sản cuất nông nghiệp theo đúng quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt; thực hiện đề án chuyển đổi 100 ha vùng bãi sang các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, quan tâm tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng vào các nghề trồng cây ăn quả, sản xuất rau màu hữu cơ, trồng hoa, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao…
Có thể thấy, tập trung khai thác thế mạnh vùng đất bãi là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở xã Hồng Thái. Với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của người dân, tin tưởng việc phát huy giá trị vùng đất bãi sẽ thực sự là “chìa khoá” để xã Hồng Thái giữ vững và phát huy những thành quả trong xây dựng nông thôn mới, thiết thực nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống người dân./.