|
Liên kết trồng chanh không hạt đã giúp nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Thành tăng thu nhập. (Ảnh: H.Tâm). |
Từ nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Bé ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã thực hiện mô hình trồng chanh không hạt. Tuy nhiên, phải đến khi liên kết với Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, bà Bé mới thực sự yên tâm mở rộng diện tích chanh không hạt. Liên kết với Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, hầu hết sản lượng chanh hàng năm vào khoảng trên 30 tấn của gia đình bá Bé đều được bao tiêu với mức giá ổn định, phù hợp. Được biết, hiện Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP đang bảo đảm tiêu thụ trái cây cho gần 100 thành viên và nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Bên cạnh việc cung cấp trái cây cho hệ thống siêu thị Co.opMart, Vinmart, các nhà hàng, chợ đầu mối.., Hợp tác xã còn mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài tập trung ở các nước Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu (Anh, Hà Lan, Đức…).
“Tham gia liên kết với Hợp tác xã, vừa được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vừa được bảo đảm đầu ra của sản phẩm. Thông thường, nếu thực hiện đúng quy trình trong hợp đồng thì giá thu mua của Hợp tác xã luôn cao hơn thương lái mua bên ngoài khoảng từ 2.000 - 2.200 đồng/kg trở lên”, bà Nguyễn Thị Bé vui vẻ cho biết.
Còn tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), mô hình sản xuất lúa theo phương thức tập thể, có sự tham gia bao tiêu từ doanh nghiệp cũng đã giúp nông dân xã Phương Bình tăng giá trị kinh tế. Sản xuất theo mô hình tập thể, quy mô lớn nên các vấn đề như nước tưới, phòng dịch… đều được bảo đảm đồng bộ, tập trung. Doanh nghiệp bao tiêu lúa cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật; việc bón phân thuốc đều có sự cân nhắc theo phương thức “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón (đạm), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Chi phí sản xuất thường xuyên cũng giảm nhiều do ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa tập trung.
|
Nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: Huỳnh Xây). |
Ông Trần Văn Đức ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp chia sẻ: "Địa hình xã Phương Bình không bằng phẳng nên nếu sản xuất riêng lẻ rất khó trong việc giữ nước. Điều này đã được khắc phục triển để khi bà con cùng tham gia liên kết sản xuất. Các khâu sản xuất lúa được làm đồng loạt từ bơm nước, xuống giống, xịt thuốc đến thu hoạch nên thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa. Gần đây, chúng tôi còn áp dụng máy bay không người lái phun thuốc cho lúa để giảm chi phí nhân công, từ đó thu nhập cũng được nâng cao”.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay. Thực tế, đơn cử như việc sản xuất lúa theo hình thức tập thể không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí mà hạt lúa làm ra được các công ty, doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường từ 100 - 300 đồng/kg. Tham gia mô hình, nông dân còn được triển khai quy trình sản xuất lúa sạch, đủ điều kiện xuất khẩu. Các mô hình hợp tác, liên kết còn là cơ hội để các địa phương phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ trong nông nghiệp; là điều kiện giúp nông dân tiếp cận, làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng và tăng thu nhập.
Theo đồng chí Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh đã luôn quan tâm, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình liên kết, hợp tác; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị có sự liên kết sản xuất, bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân; ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, nhất là những nông sản có thế mạnh của tỉnh gắn công nghiệp chế biến. Theo đó, bà con nông dân đã chủ động, tích cực tham gia các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất. Tại nhiều địa phương, nông dân đã cùng nhau thành lập hợp tác, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác, liên kết bao tiêu đầu ra cho nông dân là “chìa khóa” để Hậu Giang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế tự nhiên vốn có. Qua đó, vừa tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, vừa đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn toàn tỉnh./.