|
Công đoạn nhuộm vải được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công. |
Hợp tác xã Mường Hoa có trụ sở tại thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Bà con trong khu vực xã Tả Van chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch với 162 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Mỗi năm Tả Van chào đón khoảng 109.500 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn nghỉ qua đêm tại bản.
Sinh ra trong gia đình có 11 người con, bản thân chị là người con thứ 5, gia đình rất khó khăn, chị luôn ấp ủ ước mơ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời chị cũng khao khát có thể vực dậy nghề truyền thống khâu – buộc – nhuộm của đồng bào dân tộc mình đã bị mai một từ 20 năm trước.
Cơ hội đầu tiên đến với chị vào tháng 10/2017, khi Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP vào khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị có chuyến tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội.
Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.
|
Thao tác vẽ sáp ong trên vải yêu cầu sự khéo léo, kiên nhẫn và tính sáng tạo của người tạo nên. |
Vậy là chị Lan bước vào công cuộc tìm kiếm nguyên liệu khôi phục nghề nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm... Chị dùng hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn 70 triệu đồng để đầu tư vào khung dệt, con lăn, nguyên liệu nhuộm vải và các dụng cụ phục vụ nghề. Chị thuê thêm 7 phụ nữ trong bản thành thạo nghề phụ giúp mình theo thời vụ để tiết kiệm chi phí nhân công. Quan bao nỗ lực của bản thân cùng với sự hiểu biết về các loại thảo mộc và cũng như năng khiếu nghệ thuật đầy sắc sảo chị Lan đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ, hấp dẫn.
Tháng 9/2018, dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,” chị Lan thành lập Hợp tác xã Mường Hoa với mục đích khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và tăng thêm thu nhập cho chị em trong bản. Các sản phẩm của Hợp tác xã Mường Hoa được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Các nguyên liệu sau sản xuất của công đoạn này có thể trở thành nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác, như: củ nâu, củ mài là nguyên liệu phục vụ cho công đoạn nhuộm vải thì bã của chúng sẽ được thành viên tận dụng nghiền làm nguyên liệu phục vụ nghề làm hương thảo mộc…
Hợp tác xã Mường Hoa cũng thực hiện mô hình tái chế thổ cẩm nhằm hạn chế chất thải ra môi trường. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi Hợp tác xã thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm…
Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, Hợp tác xã Mường Hoa Sa Pa đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm… Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng, du khách nước ngoài không đến Việt Nam đông như trước nhưng những sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ bán ở địa phương, thông qua mạng xã hội Facebook, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc đã được rất nhiều người biết đến và ủng hộ.
Chị cho hay: Ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương.