Hưng Yên đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 12/05/2023 09:43
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhờ nỗ lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên đã và đang từng bước nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt trên 50 triệu đồng/người.

Giai đoạn 2021-2022, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh; ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 02/6/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết; ban hành và triển khai thực hiện 17 đề án, 08 dự án và 27 kế hoạch, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phù Cừ.

Theo đó, kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển khá, năm 2021 tăng trưởng 2,78%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,29% (mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đều giảm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1.000ha); cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh; các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, từng bước xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, ... giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 215 triệu đồng/ha, tăng trên 05 triệu đồng/ha so với năm 2020 (mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19); năng suất, sản lượng một số cây trồng tăng cao so với năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại tăng cao; thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất,… Công tác vệ sinh ATTP được tăng cường, đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh. Công tác thủy lợi được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra.

Nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU mà Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân biết đến, tích cực hưởng ứng và đã đạt được nhiều kết quả. Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu nên người dân có điều kiện khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều giảm nhanh xuống còn 2,55%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chiếm 49,02%; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo (sau khi trừ đi hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) đạt dưới 2%. Đặc biệt, năm 2021, một số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí hộ nghèo về xã nông thôn mới kiểu mẫu: Giai Phạm (Yên Mỹ), Tân Dân (Khoái Châu), Tam Đa (Phù Cừ), Tân Quang (Văn Lâm), Mễ Sở và Phụng Công (Văn Giang); cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và thương mại, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên và an toàn. Trình độ sản xuất thâm canh tăng cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện. Qua quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong công tác triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục hiệu quả và kịp thời.

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 09/NQ-TU. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu về đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực