Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế

Thứ bảy, 23/01/2021 10:20
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nước ta đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, thể hiện trên các mặt về tốc độ tăng trưởng, giá trị xuất khẩu nông sản liên tục đạt ở mức cao, bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh và hiện đại,…Đây là những cơ sở và tiền đề quan trọng để ngành hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu hướng đến của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian tới (Ảnh: BT)

Nhiều bước tiến quan trọng

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nông nghiệp tiếp tục duy trì được tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Đồng thời, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế.

Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của ngành ước đạt 2,71%/năm, đạt mục tiêu đề ra của Kế hoạch 5 năm và cao hơn so với mức tăng trưởng 2,41% của năm 2015. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.

Đặc biệt, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị. Thu nhập của người dân nông thôn ngày càng tăng, trong đó, năm 2019 thu nhập của cư dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,92 lần so với năm 2015. Đồng thời, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.

Trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận nông thôn nước ta ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Năm 2020, cả nước có 173/664 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới và 12 tỉnh với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và đến nay đã có 4 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới gồm: Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên.

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế

Để phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, ứng phó thành công trước những biến đổi bất ổn của thị trường toàn cầu và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu,…”.

Cụ thể hóa chủ trương này, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành đạt khoảng 2,8%-3,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt ít nhất 80% (trong đó khoảng 40% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,6 lần so với năm 2020. Phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới, trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.

Để thực hiện mục tiêu và tầm nhìn phát triển này, cùng với những nhiệm vụ vừa mang tính tổng thể vừa mang tính thời điểm, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành sẽ tập trung vào thực hiện đồng bộ những giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm”.

Đi cùng với đó, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, phát triển cụm liên kết. Đồng thời, toàn ngành sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tận dụng công nghệ 4.0 để thực hiện số hóa nền nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là giải pháp được xác định để ngành nông nghiệp đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực và triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại mang lại. Thứ nữa, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.

Năm 2021 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, toàn ngành NN&PTNT sẽ nỗ lực chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, hiệu quả để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực