Hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Thứ sáu, 15/03/2024 16:06
(ĐCSVN) - Được tổ chức lần đầu vào năm 2021, Diễn đàn bất động sản Mùa Xuân là sự kiện thường niên; là không gian thảo luận, trao đổi khách quan, đa chiều; nhìn lại thị trường năm cũ, đưa ra nhận định, phân tích, dự báo về tình hình, diễn biến thị trường trong năm mới; góp tiếng nói giúp hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.

Trên cơ sở chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024. 

 Diễn đàn thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Không gian thảo luận, trao đổi khách quan, đa chiều về thị trường bất động sản

Trong phát biểu khai mạc, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhận định, theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thời điểm hiện tại, nhiều Đại biểu Quốc hội, chuyên gia là thành viên hội đồng tư vấn của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế… đều cho rằng, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản Việt Nam đang dần trở lại, năng lượng tích cực và những điểm sáng đã hiện diện.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2021, Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân là sự kiện thường niên, là không gian thảo luận, trao đổi khách quan, đa chiều, được tổ chức vào mùa Xuân hằng năm để nhìn lại thị trường một năm đã qua và có những nhận định, phân tích, dự báo về tình hình, diễn biến thị trường trong năm mới. Qua đó, đóng góp những kiến giải, đề xuất đối với các vấn đề còn tồn đọng của thị trường, góp tiếng nói giúp hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam an toàn, lành mạnh và bền vững hơn - nhà báo Phạm Nguyễn Toan nói.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại chương trình (Ảnh: HNV) 

Trao đổi về thị trường bất động sản vừa qua, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ ra, vừa qua, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do 2 rào cản: Thể chế pháp lý và tiếp cận nguồn vốn. Nhưng có thể thấy, việc hoàn thiện 3 bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản là thành quả chung, là sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, toàn dân trong gần 2 năm góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện việc xây dựng luật. PGS.TS Nguyễn Quang Tiến bày tỏ hy vọng, những tháo gỡ về pháp lý sẽ nhanh chóng được thực hiện, phát huy tác dụng giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024 và những năm sau sẽ khởi sắc, mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho người dân, quốc gia cùng được thụ hưởng từ những chính sách đã ban hành.

Tại Diễn đàn, LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đề cập nhiều tới vấn đề “nhà ở vừa túi tiền” (đang gọi theo tiếng Anh là Affordable housing). Theo vị Chủ tịch này, trong Hội nghị với Thủ tướng ngày 14/3, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề xuất cho phép nhà có giá 35 triệu đồng/m2 (khoảng 3,5 tỷ đồng) được phép tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Như vậy, khái niệm về “nhà ở vừa túi tiền” hiện nay có thay đổi rất lớn, không còn ở mức 1.000 USD mà có thể đã tăng lên gấp đôi. Đây cũng là vấn đề nóng mà chúng ta cần giải quyết. Nêu một số kinh nghiệm phát triển “nhà ở vừa túi tiền” của một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Trung Quốc, ông Đoàn Văn Bình một lần nữa khẳng định, phát triển “nhà ở vừa túi tiền” càng ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước và là xu hướng phổ biến hiện nay.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp. Tuy nhiên, gốc của vấn đề vẫn là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Đối thoại về các loại hình nhà ở đáp ứng đại đa số người dân hiện nay

Các diễn giả thảo luận tại phiên đối thoại của chương trình (Ảnh: HNV)

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ IV diễn ra dưới sự điều phối của TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cùng sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp bất động sản. Dịp này, các khách mời cùng nhau phân tích, đánh giá, thảo luận về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường bất động sản, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không. Trong đó, phiên Đối thoại Cấp cao thảo luận về 2 vấn đề nổi cộm trên thị trường hiện nay. Một là câu chuyện thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. Hai là vấn đề cơ cấu lại sản phẩm trên thị trường bất động sản hướng đến nhu cầu thực gắn với không chỉ phát triển nhà ở xã hội, mà còn cả nhà ở thương mại giá bình dân…

Các chuyên gia, khách mời thảo luận về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong Luật Đất đai 2024 và những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm quốc tế, đề xuất mô hình phát triển nhà ở thương mại giá bình dân. Qua đó, đề xuất chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển 2 phân khúc sản phẩm này, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cụ thể, phân tích về nhà ở xã hội, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đánh giá, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024, Chính phủ đặt ra mục tiêu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội. Hiện, theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 400 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành, cung cấp 38.000 căn, 127 dự án đã khởi công, nhiều dự án đã chấp thuận chủ đầu tư. Năm 2024 dự kiến 108 dự án sẽ hoàn thành, cung cấp 148.000 căn. Có thể nói đây là điểm nhấn quan trọng của lượng cung. Thêm vào đó, điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng đang rộng mở hơn. Không cần thường trú, có nhà ở quê nhưng sinh sống ở thành phố vẫn được mua. Chưa kể, cho phép Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia từ phía cung. Cộng với đó là chính Việt Nam cũng tiếp tục cải thiện thu nhập lao động. Tuy nhiên, theo TS Phong, thị trường chắc chắn vẫn còn thách thức, một là tính hai mặt của các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua. Đơn cử, bỏ khung giá đất, trong bối cảnh chi phí vật liệu, nhân công tăng lên thì giá nhà sẽ tăng. Hai là thu nhập người lao động chưa được cải thiện nhiều. Ba là ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển chưa thực sự đảm bảo cân bằng giữa các bên và cuối cùng cơ chế phân phối còn bất cập.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao người dân đều có nhà ở, tuy nhiên tâm lý của đại bộ phận người Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng, do đó, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính. “Thiết nghĩ, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Nhìn nhận trên góc độ quy hoạch kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị, phát triển nhà ở xã hội phải do Nhà nước chủ đạo, doanh nghiệp đồng hành; phải thiết kế mẫu, để áp dụng được tất cả mọi nơi, nhà giống nhau, chỉ khác móng thôi, và cần thực tế, đầy đủ, thuận tiện cho đối tượng công nhân, người thu nhập thấp; trong quy hoạch, cần gắn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bám vào các giao thông công cộng, từ đó sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, giúp họ di chuyển thận tiện giữa chỗ làm và chỗ ở.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nhà ở xã hội là nhà ở của Nhà nước đứng ra quy hoạch, hỗ trợ cho bộ phận dân cư yếu thế. Nhà ở thương mại có giá phải chăng là Nhà nước hỗ trợ cho bộ phận người dân đại trà, đáp ứng đại đa số quần chúng. Nhà ở cao cấp, chúng ta cũng cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Bởi mang tiếng là nhà ở cao cấp nhưng thực tế có không ít dự án có nội thất, dịch vụ chưa đủ cao cấp. Vì vậy, khâu đầu tiên cần quan tâm là định nghĩa rõ loại nhà và quy hoạch. “Chúng ta cần quy hoạch làm sao để mang đặc tính khu dân cư, đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc, nhu cầu sinh hoạt. Còn có quan điểm nhà ở xã hội giá thấp nên chất lượng thấp, dẫn đến nhiều khu xây xong không bán được, người dân không đến ở nên đã đến lúc chúng ta cần làm bài bản”- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định, phát triển nhà ở xã hội đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê, như ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, không nên có cách tiếp cận theo hướng "ta chỉ nên", "ta chỉ làm” mà cần tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân. “Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm mới so với luật cũ, cần phải tiếp cận ở góc độ rộng hơn”- TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, nhà báo Nguyễn Thành Công, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam công bố Quyết định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc Giao nhiệm vụ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: “Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam”.

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam".

Nhóm chuyên gia thực hiện, tư vấn, phản biện là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, luật, thống kê, báo chí… trong và ngoài nước; hướng tới nghiên cứu, khảo sát cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới; đánh giá nhu cầu, tiềm năng, cơ hội, thách thức của thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền Việt Nam; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam.

Thời gian thực hiện đề tài: Quý I, 2024 - Quý IV, 2024. Thời gian tổ chức Hội thảo: Tháng 10/2024 (Trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu).

Vinh danh Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu (Ảnh: HNV) 

Cũng trong chương trình, Lễ Vinh danh là kết quả Chương trình bình chọn Thương hiệu dẫn đầu từ 1.000.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.

Lễ Vinh danh tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ dẫn đầu thị trường bất động sản năm 2023 - 2024 với các hạng mục: Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2023, Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm 2023, Doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2024, Sàn giao dịch bất động sản triển vọng nhất năm 2024, Dự án đô thị và nhà ở tiềm năng nhất năm 2024, Dự án bất động sản khu công nghiệp tiềm năng nhất năm 2024. Đồng thời cũng vinh danh Top 5: Ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và hiệu quả nhất năm 2023, Dự án đô thị và nhà ở chất lượng nhất năm 2023, Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2023; Dự án nhà ở xã hội, nhà ở đại chúng tiềm năng nhất năm 2024; Dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2024./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực