Phát triển nông, lâm nghiệp đem về thu nhập “khủng” cho nông dân
Theo chân bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, đoàn công tác chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước các mô hình trồng na trái vụ. Mặc dù vào cuối thu, các loại cây khác đều thi nhau trút lá, nhưng với mô hình vườn na ở đây, hầu như không thấy cảnh mùa thay lá mà chỉ thấy ngút ngàn rừng na thi nhau vươn lên xanh tốt. Xen kẽ là những trái na được người nông dân bọc cẩn thận trong những chiếc túi ni lông chuyên dùng.
|
Màu xanh bạt ngàn của cánh đồng na trái vụ tại Hữu Lũng, Lạng Sơn (Ảnh: Thắm Phạm) |
Cả huyện có hơn 1.660ha na, riêng diện tích na trái vụ khoảng 200-300ha. Theo ông Nông Văn Lợi, chủ vườn na xã Cai Kinh, na trái vụ được bắt đầu rất tình cờ. Vụ mùa tháng 6 – 7, người dân đi thu hoạch na, cắt cành dọn vườn thì thấy na ra hoa. Thấy thế, bà con chăm sóc hoa và từ đó bà con thu hoạch xong đi dọn cành hoặc chưa thu hoạch xong cũng tỉa gối vụ luôn. “Từ lúc gối vụ đến lúc cây ra hoa thụ phấn đậu quả khoảng 3 tháng 15 ngày là na chín”, ông Lợi nói.
Không chỉ có na dai, vườn nhà ông Lợi có cả na giống Thái cho quả to, ngon, năng suất hơn. Theo chia sẻ của ông Lợi, tổng diện tích gia đình có 3.700 cây bao gồm cả na Thái và na dai, trong đó có 1.500 cây làm trái vụ (630 cây na Thái), những cây ở trên núi đá không làm được trái vụ do thiếu nước chăm tưới hàng ngày. Mỗi năm, trừ các chi phí, ông Nông Văn Lợi thu về 800-900 triệu đồng.
Trồng na Thái năng suất hơn na dai nhưng thị trường nội địa vẫn chuộng na dai do có vị thơm đặc trưng, ngọt sắc. Có năm tuy trái vụ nhưng na Thái rất sai quả, 1 cây đậu 20 quả, mỗi quả đến vụ thu hoạch nặng tầm 800 gram đến 1 kg.
Đặc biệt, với na trái vụ, người nông dân Hữu Lũng không “đơn thương độc mã” bởi song hành cùng họ là Hợp tác xã (HTX) và cơ quan quản lý Nhà nước. Chia sẻ về na Cai Kinh, ông Trần Ngọc Oánh, Giám đốc HXT na Cai Kinh cho biết, HTX tuy không thu mua nông sản của bà con nhưng đứng ra phối hợp với các phòng, ban trong huyện tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con, cùng bà con kiểm soát phun thuốc, chăm sóc vườn tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap. Năm 2020, na Cai Kinh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. “Nhờ kinh nghiệm của bà con, kết hợp cùng HTX hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, từ khi làm trái vụ, thu nhập của bà con tăng, sản lượng na tăng thêm”, ông Trần Ngọc Oánh nói.
Làm na trái vụ chính là chìa khóa giúp bà con nông dân thành công với mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với tất cả các loại cây ăn quả khác. Do đó, đời sống của các hộ dân có diện tích làm na trái vụ được nâng cao, thu nhập ổn định.
|
Phát triển cây na thành cây đặc sản chủ lực của huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn (Ảnh: Thắm Phạm) |
Câu chuyện về phát triển na thành cây đặc sản chủ lực trên địa bàn huyện Hữu Lũng vẫn chưa dứt với những trăn trở của bà Nông Thị Huyền Trang. Theo vị này, huyện chủ trương mở rộng diện tích trồng na ra nhiều xã, đặc biệt là mở thêm diện tích trồng na trái vụ ở những vùng núi thấp thuận tiện cho tưới tiêu như xã Yên Sơn, Yên Vượng, Cai Kinh, Hoà Lạc, Đồng Tân… Song song với việc chú trọng mở rộng na Thái ở xã Cai Kinh, Yên Sơn và Yên Vượng huyện còn hỗ trợ cho bà con nông dân về khoa học kỹ thuật, mở các lớp kỹ thuật tập huấn, đẩy mạnh trồng na theo tiêu chuẩn Vietgab, Global Gap, tiêu chuẩn OCOP. Ngoài ra huyện còn hỗ trợ một phần kinh phí làm bao bì và phân bón.
Để hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân đưa sản phẩm vươn xa, huyện đang nghiên cứu phối hợp với Sở Công Thương Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng làm chuỗi giá trị na. Hy vọng một ngày không xa, na Hữu Lũng không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.
Ngoài na, liên quan tới phát triển nông, lâm nghiệp tại địa bàn huyện còn có cây lấy gỗ, cây công nghiệp. Theo thống kê, hiện, toàn huyện có 790 vườn ươm cây lấy gỗ, cây công nghiệp, 1 năm sản xuất 200-300 triệu cây giống cung cấp cho các tỉnh trong cả nước.
Tập trung phát triển khu công nghiệp, dịch vụ
Thiên nhiên đã ban tặng Hữu Lũng một vị trí không thể đẹp hơn với đường giao thông thuận tiện, tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Trong đó phải kể đến thảo nguyên Đồng Lâm (xã Hữu Liên) có diện tích rộng 100 ha, trải dài 1,5 km, với những cánh đồng cỏ xanh, thảm thực vật phong phú, những vách núi đá hoang sơ, hồ nước trong xanh, thác nước và suối... mang vẻ đẹp hùng vĩ, hữu tình.
Cùng với đó, khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên trải rộng trên toàn bộ xã Hữu Liên là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, có diện tích khoảng 8.300 ha. Đặc biệt, xã Hữu Liên được UBND tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, Hữu Lũng còn có thắng cảnh như Mỏ Heo xã Đồng Tân (có suối với phong cảnh đẹp), xã Yên Thịnh có nhà sàn, suối nước, rừng cây... Các xã Tân Lập có hang Dơi, hang Thờ, hang Đèo Thạp.
Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, rất phù hợp để khai thác các các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, giải trí thể thao mạo hiểm, khám phá và du lịch nghỉ dưỡng núi.
|
Núi đá vôi tại Hữu Lũng, Lạng Sơn thích hợp cho du lịch mạo hiểm (Ảnh: Thắm Phạm) |
Cùng với các danh lam thắng cảnh, Hữu Lũng còn núi đá vôi và núi đất có chứa tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng. Nằm xen kẽ giữa các dãy núi là những thung lũng nhỏ, hẹp. Địa hình tương đối bằng phẳng và là vùng đất canh tác, sản xuất nông nghiệp của cư dân trên địa bàn. Đây là điều kiện cho phát triển công nghiệp ở vùng đất có giao thông thuận tiện, mưa thuận gió hoà.
Với tất cả những thuận lợi sẵn có đó, trao đổi với chúng tôi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Phan Hồng Tiến cho hay, huyện có chủ trương phát triển khu vực thảo nguyên Đồng Lâm thành khu du lịch sinh thái kết hợp homestay. Thảo nguyên Đồng Lâm thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái, cắm trại và thể thao leo núi. Hiện, đã có nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch chung khoảng 500ha.
Cùng với đó, khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên trải rộng trên toàn bộ xã Hữu Liên là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, với diện tích khoảng 8.300 ha, kết hợp lại sẽ thành một khu vực du lịch sinh thái hoàn chỉnh.
Hơn nữa, trên địa bàn huyện còn có núi đá vôi ở xã Yên Thịnh có địa hình, địa chất đặc biệt và cảnh quan thiên nhiên thích hợp tổ chức hoạt động leo núi thể thao ngoài trời. Hiện nay, khu vực này có 8 điểm leo núi với khoảng 120 đường leo được đặt tên riêng theo các các cấp độ từ dễ đến khó.
“Với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch 2025-2030, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh Đền Bắc Lệ, Đền Quan Giám Sát... không xa nữa sẽ trở thành tuyến du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước”, Bí thư Huyện uỷ nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Phan Hồng Tiến, là địa phương tiếp giáp với Bắc Giang, dân số trong độ tuổi lao động đông, trong nhiệm kỳ năm 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đề ra phương án trọng tâm phát triển địa bàn huyện Hữu Lũng thành khu công nghiệp, động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, huyện có 5 khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng 1.280 ha) và 5 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các khu công nghiệp do VISIP đầu tư hiện mới đang ở giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn đối với cụm công nghiệp, huyện mới có 3 cụm bổ sung vào trong quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025, trong đó chú trọng phát triển khu công nghiệp xanh, sản xuất công nghiệp hiện đại ít ô nhiễm mỗi trường./.