Huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ sáu, 26/11/2021 19:10
(ĐCSVN) – Hội thảo “Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn" đã ghi nhận nhiều ý kiến, trong đó có nội dung đề xuất nên xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân phù hợp với tình hình mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn...
 Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh chụp tại điểm cầu trụ sở Liên minh HTX Việt Nam)

Chiều 26/11, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn" với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26 (NQ26); TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết NQ26 đồng chủ trì Hội thảo.

Đánh giá về sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư có hiệu quả, TS. Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, trong các thời kỳ phát triển của đất nước, đặc biệt là từ thực tiễn 02 năm phòng, chống dịch COVID-19 và tái cơ cấu nền kinh tế những năm tới, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Song song là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là tổng thể các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm nông sản tại mỗi bước trong quy trình từ cung ứng đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Ứng dung công nghệ cao và chuyển đổi số trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản theo hướng thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, tăng sản lượng và giá trị nông sản; các thành phần kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn; xử lý hài hoà lợi ích, nhất là lợi ích của nông dân, quản trị được rủi ro thị trường và tác động của biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu tại Hội thảo (Ảnh chụp từ điểm cầu trụ sở Liên minh HTX Việt Nam) 

Thực tế, các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh đã bước đầu hình thành nhưng việc phát triển chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số đang gặp nhiều bất cập, tồn tại và khó khăn: Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, từ những vấn đề thực tế, TS. Nguyễn Ngọc Bảo đã nêu một số kiến nghị các cấp, các ngành một số giải pháp phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số…

Trong khi đó, theo đề xuất của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Học viện Nông nghiệp, tới đây, cần chú ý tới tinh giản bộ máy quản lý nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN) trong các bộ, ngành để hạn chế việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như các thủ tục, các quy định được đưa ra cùng một lúc bởi nhiều cơ quan quản lý khiến các tổ chức, cá nhân khó thực hiện nhiệm vụ KHCN. Thêm vào đó, Nhà nước không can thiệp vào công tác nghiệm thu và quản lý tài chính mà chỉ giữ vai trò đưa ra khung pháp lý cho các hoạt động này. Đổi mới và sáng tạo trong hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp như sắp xếp theo hướng đầu tư nghiên cứu cơ bản tập trung, không chồng chéo về chức năng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác công - tư và phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế chính sách để thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp dựa trên nguyên lý thị trường. Đổi mới cơ chế đánh giá các đề tài KHCN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KHCN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với các nghiên cứu khoa học cơ bản, cần chú trọng đến chất lượng và chỉ số tác động của các bài báo, các công trình công bố quốc tế; đối với các nghiên cứu ứng dụng, cần quan tâm đánh giá khả năng ứng dụng và thương mại hóa kết quả KHCN trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Liên quan tới cơ chế, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, cần hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút các nguồn lực trong nền kinh tế đầu tư cho nông nghiệp. Ngoài ra, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tháo gỡ các khó khăn, vuớng mắc trong các thủ tục tiếp cận vốn vay nông nghiệp cũng như nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch trong năm 2022 thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với nguyên liệu sản xuất; giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có thời hạn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề; miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện; nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ có các gói kích cầu kịp thời nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước; nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa; chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách/phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao Hội thảo lần này với việc ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực, trong đó có nội dung đề xuất nên xem xét ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân phù hợp với tình hình mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn... Có ý kiến còn đề xuất, cần ưu tiên bố trí thêm nguồn lực cho ngành, lĩnh vực trọng yếu, như: công nghiệp chế biến, logicstics; đưa công nghiệp về nông thôn; gắn phát triển nông thôn mới với quá trình đô thị hóa nông thôn./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực