Huyện đảo Cát Hải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

Thứ bảy, 28/05/2016 14:48
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Du lịch – Dịch vụ và Thủy sản, trong đó Du lịch và Thủy sản là hướng phát triển chính của huyện.

Mô hinh nuôi cá chim vây vàng nâng cao thu nhập cho nông dân (Ảnh: Hoàng Tản)

Xác định mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân là hết sức quan trọng nên những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cát Hải chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả tiềm năng về lao động, đất đai, tài nguyên, từ đó xác định rõ các sản phẩm chủ lực, tránh đầu tư dàn trải.

Huyện đảo Cát Hải có 6 xã nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015 các xã đã cơ bản đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm huyện đảo đón từ 1.300.000 đến 1.500.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước, doanh thu trên 600 tỷ đồng. Riêng ngành thủy sản được phát triển mạnh ở cả 2 lĩnh vực là nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản hằng năm của huyện đạt trên 8 nghìn tấn trở lên.

Bên cạnh 2 ngành kinh tế mũi nhọn là Du lịch và Thủy sản thì nông nghiệp cũng được coi là ngành kinh tế quan trọng.

Huyện đã tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ sản xuất, tạo điều kiện về vốn vay từ các nguồn giải quyết việc làm, vay vốn hộ nghèo, vay tín chấp từ ngân hàng chính sách; đồng thời hợp tác triển khai nhiều mô hình kinh tế giúp dân có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất trong đó chú trọng triển khai các dự án bảo tồn, nhân rộng giống cây, con bản địa.

Hiện huyện đã xây dựng 14 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch trải nghiệm, nghề truyền thống… nhằm nâng cao thu nhập người dân như: Mô hình phát triển giống cam Gia Luận, gà Liên Minh; mô hình nhân rộng giống khoai sọ Mùn ốc xã Việt  Hải, bảo tồn giống ong mật Cát Bà; phát triển đàn dê núi Cát Bà và mô hình nuôi hà sú, cây dược liệu xạ đen, trồng Thanh Long ruột đỏ, trồng rau an toàn, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học... Ngoài ra, còn xây dựng các mô hình nuôi lợn nái, nuôi bò sinh sản.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển những giống cây bản địa, Huyện còn chú trọng đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao như khoai tây Hà Lan, trồng hoa, dưa hấu, cây dược liệu hồng hoa, mô hình nuôi chim bồ câu pháp, nuôi nhím; nuôi vịt trời, nuôi vịt biển, nuôi cá chim vây vàng bằng thức ăn công nghiệp…

Ông Vũ Hoài Nam – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cát Hải cho biết: Đầu năm 2016 huyện Cát Hải đã ký kết phối hợp với Công ty Cổ phần Nafoods Group triển khai mô hình trồng cây chanh leo tại 6 xã xây dựng nông thôn mới trên đảo Cát Bà. Các hộ dân tham gia trồng chanh leo được huyện hỗ trợ 100% giống cây, 40% chi phí vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay chanh leo đã bắt đầu trổ hoa,  sau khi thu hoạch Công ty Cổ phần Nafoods Group sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm.

Cũng trong năm 2016 huyện đã hỗ trợ 190 con lợn giống lai và 5.884 con gà giống lai Đông Cảo cho 190 hộ gia đình thuộc 2 xã vùng sâu là Gia Luận và Việt Hải. Không chỉ hỗ trợ giống mà Phòng NNPTNT còn cử cán bộ xuống hướng dẫn bà con về kỹ thật chăn nuôi, chăm sóc và phòng trừ bệnh cho con giống.

Huyện Cát Hải còn tạo điều kiện cho các đơn vị doanh nghiệp liên kết phối hợp xây dựng các mô hình trông rau an toàn tại địa phương trong đó tiêu biểu là mô hình rau an toàn của nông dân xã Việt Hải. Xã đã phối hợp với Tập đoàn du thuyền Âu Cơ trồng 4 ha các loại rau xanh phục vụ khách du lịch. Tại xã Xuân Đám, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển & Phát triển Cộng đồng (MCD) cũng đã phối hợp với hội LHPN, Hội nông dân triển khai mô hình trồng rau an toàn và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học.

Đối với những vùng sản xuất lúa cũng đã đưa vào gieo cấy nhiều giống lúa mới phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như giống Nhị ưu, Khang dân, BC15, Việt Lai, Bắc thơm…thay thế những giống kém năng xuất. Hệ thống kênh mương tưới tiêu cũng được đầu tư nâng cấp, đồng thời xây dựng hồ chứa nước ngọt tại các xã nông nghiệp để phục vụ tưới tiêu.

Đặc biệt với các xã trên đảo Cát Bà có nhiều thuận hơn đảo Cát Hải bởi có diện tích tùng áng nên huyện khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Hiện trên địa bàn huyện có hàng trăm gia trại kết hợp trồng cam, vải, nhãn, na, hồng với chăn nuôi lợn, gà, ong, dê và nuôi trâu bò và xen canh các lại cây lấy củ như gừng, sắn, khoai, lạc, ngô... Mỗi năm mang lại nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng trở lên/1 hộ như trang trại của anh Nguyễn Tiến Chinh xã Xuân Đám, trang trại của gia đình anh Vũ Hữu Dũng xã Gia Luận, anh Vũ Thanh Bình ở TT Cát Bà…

Không chỉ tập trung trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông dân huyện đảo phát triển diện tích trồng rau xanh với đa dạng các loại rau theo mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên đảo. Với diện tích trồng rau 21,1 ha nhưng chủ yếu vẫn là trồng trong diện tích vườn nhà và rộng nhỏ lẻ. Tuy nhiên những năm qua bà con nông dân huyện đảo cũng đã chú trọng về chất lượng rau an toàn vì thế rau xanh tại địa phương là sản phẩm được người dân tin dùng.

Bên cạnh việc tạo điều kiện về vốn, giống, huyện còn chỉ đạo ngành chức năng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất nông nghiệp làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.  

Theo ông Vũ Ngọc Tuấn – Phó trưởng trạm khuyến ngư nông nghiệp thì trung bình mỗi năm Trạm khuyến ngư nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức trên 20 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt và phòng trừ bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi, phối hợp với trạm thú y tổ chức tiêm phòng gần 70 nghìn liều vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Chính vì thế những năm qua trên địa bàn huyện ít xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo chăn nuôi giữ vững nhịp độ tăng trưởng hàng năm. 

Trong những năm tới huyện đảo Cát Hải sẽ có nhiều đổi thay về diện mạo  nhờ vốn đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi tưới tiêu  trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, cải tạo, mở mới. Việc mở rộng liên kết, hợp tác xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng trọt, bảo tồn, phát triển những giống cây, con bản địa tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Đây được coi là những “điểm nhấn”, “đòn bẩy” để thúc đẩy sự phát triển của một nền nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện trong những năm tới đồng thời góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện./.

Hoàng Tản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực