Thêm vào đó, cũng cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.
|
Từng bước khắc phục đứt gãy chuỗi với sự thay đổi chiến lược chính sách thích ứng với tình hình mới (Ảnh: HNV) |
Từ đợt bùng dịch lần thứ tư cuối tháng 4/2021, kinh tế nước ta đã thực sự gặp khó và tốc độ tăng trưởng bị ảnh hưởng đáng kể. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 chưa đúng thời điểm, chưa thống nhất từ Trung ương tới địa phương và giữa các địa phương với nhau đã dẫn đến các chuỗi cung ứng (cả trong nước và quốc tế) bị đứt gẫy. Hơn nữa, việc thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến” một cách cứng nhắc ở một số nơi đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” tại doanh nghiệp không được thiết kế từ đầu. Đáng chú ý, các chuỗi cung ứng đều gặp khó khăn thiếu lao động. Đặc biệt là ngành chế biến chế tạo, ngành dệt may, da giầy… sử dụng nhiều lao động và các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện quy định “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến”. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển của người lao động đã rời khu vực phía Nam, khó quay lại khi các địa phương được mở cửa trở lại, cũng gây ra tình trạng thiếu lao động cho các chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, biện pháp kiểm soát lưu thông và phân quyền cho các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Các chuỗi cũng bị gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí logistic tăng cao, các dịch vụ logistics bị đứt gẫy. Thị trường trong nước suy giảm và không được kết nối thông suốt nên các chuỗi cung ứng cũng khó chuyển dịch sang khai thác thị trường nội địa.
Trước thực trạng đó, nhóm các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới đây đã nêu một số khuyến nghị liên quan tới các chuỗi cung ứng, bao gồm:
Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng và đạt được mục tiêu với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Thứ hai, cho phép doanh nghiệp tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.
Thứ ba, Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn thay cho chuỗi cung ứng dài, thay thế nguồn hàng nhập khẩu nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19. Đồng thời, chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập đáp ứng nhu cầu trong nước song hành với các chuỗi cung ứng dài cho xuất khẩu. Linh hoạt chuyển đổi để hỗ trợ tiêu thụ nông lâm, thủy sản. Cấp quỹ giống cho cây và con giống nhằm tái tạo chu kỳ kinh doanh mới cho cả chuỗi ngắn và chuỗi dài trong tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Thứ tư, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương. Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm tra/kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Thứ năm, mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương; tổ chức các đội tuần tra trên các trục quốc lộ, tỉnh lộ; đảm bảo không cho hạ tải hoặc luân chuyển hàng hóa ngoài khu vực quy định. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về.
Thứ sáu, xây dựng các module sản xuất có khả năng thay thế các khâu, các đoạn của chuỗi cung ứng, linh hoạt ứng phó khi bùng phát tại một số điểm trong chuỗi, tiêu chí các module phải đảm bảo đủ độc lập để không lây nhiễm lẫn nhau và đảm bảo tiêu chuẩn 5K trong phòng chống dịch./.