Khó khăn kéo dài, ngân hàng cùng doanh nghiệp đều phải cẩn trọng

Thứ hai, 19/07/2021 15:36
(ĐCSVN) - Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đánh giá chung đã tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng. Thế nhưng với bối cảnh dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn đặt ra đòi hỏi ngân hàng và doanh nghiệp đều phải cẩn trọng hơn.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) 

Nguy cơ nợ xấu luôn hiện hữu

Thông tư 03/2021/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, kéo dài một số mốc thời gian cơ cấu nợ so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN được nhìn nhận là đã đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng.

Các chuyên gia của công ty chứng khoán VNDIRECT từng nhìn nhận rằng việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.

Đối với phía doanh nghiệp, việc bổ sung các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.

Nhìn lại Thông tư 03 với đặc điểm nổi bật là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết năm 2021. Đồng thời, phân bổ lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong 3 năm, từ năm 2021-2023.

Như vậy so với Thông tư 01 ban hành năm 2020 với mục đích gần như tương tự, nhưng Thông tư 03 được ban hành chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc lợi dụng dịch COVID-19 để các tổ chức tín dụng (TCTD) “làm ẩu”. Bản thân các TCTD phải ý thức việc triển khai chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đúng địa chỉ và phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho biết, đến ngày 31/5 các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số luỹ kế từ 23/1/2020 đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (đến ngày 31/5/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.872 hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng. 

Tuy nhiên vấn đề đặt ra đó là, nguy cơ nợ cơ cấu trở thành nợ xấu là hiện hữu nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng, khiến cho nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, dẫn đến đứt gãy nguồn cung ứng  sản xuất hàng hoá. Chưa kể vướng mắc hiện nay là thời hạn trả nợ kéo dài và tất cả khoản nợ chỉ được kéo dài trong vòng 12 tháng. Điều này sẽ khó khăn cho những khoản nợ trung và dài hạn. Chưa kể khi các khoản nợ hết thời hạn cơ cấu mà vẫn không thể trả nợ, ngân hàng sẽ không dám cho vay mới do lo ngại trách nhiệm.

Trong khi đó, đứng ở vai trò là chủ doanh nghiệp cũng như đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc cơ cấu giãn nợ, vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến 31/12/2022, vì vấn đề này chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước 31/12/2020 theo quy định hiện hành. Bởi nếu chuyển nhóm nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

Giới chuyên gia phân tích, cái khó của ngân hàng là phải đảm bảo vừa giữ vững sự an toàn của hệ thống ngân hàng vừa phải hỗ trợ được và xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Nếu như không có giải pháp trích lập dự phòng rủi ro thì trong tương lai ngân hàng sẽ rất khó khăn nếu các khoản nợ xấu phát sinh trong khi lợi nhuận thì đã “ăn” hết. Điều này sẽ kéo theo gánh nặng rất lớn cho ngành ngân hàng.

Hỗ trợ nhưng ngân hàng cũng phải cẩn trọng hơn

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng phân tích, các ngân hàng cũng đều xác định, trong giai đoạn hiện nay, nếu cho vay mới thì đó phải xác định là cho vay trong điều kiện dịch COVID-19 nên rất cần sự thận trọng.

“Nếu vẫn tiếp tục cho vay thì hậu quả kế tiếp sau đợt dịch lần thứ 4 này sẽ là khó có thể hạn chế được. Do đó, các tổ chức tín dụng cần rút kinh nghiệm và rà soát, tính toán kỹ lưỡng khi cho vay trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt. Khi đợt dịch lần thứ 4 qua đi thì các tổ chức tín dụng cần rút ra bài học là khi cho vay mới cần lựa chọn lộ trình nào cho phù hợp để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro tới mức thấp nhất” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Hiện tại, số nợ cơ cấu ước tính theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay là 347 nghìn tỷ đồng và con số này khả năng sẽ còn lớn hơn nếu tình hình khó khăn kéo dài. Nhiều DN, kể cả những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất kinh doanh do dịch.

“Nợ xấu của ngân hàng vẫn phát sinh và gia tăng trong thời gian tới, dù chủ yếu là nguyên nhân khách quan nhưng hậu quả của đại dịch chắc chắn sẽ rất nặng nề”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định

Tuy nhiên, đánh giá chung tình hình, Tổng thư ký VNBA cho rằng, nhờ tái cơ cấu kịp thời, “sức khoẻ” các ngân hàng được cải thiện, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II, có ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao để sẵn sàng “phòng thủ” trước nợ xấu. Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai.

“Đây quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, bảo đảm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ”, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, khác với các doanh nghiệp khác, lợi nhuận ngân hàng tốt sẽ kéo theo hệ quả là hệ số tín nhiệm của các ngân hàng tăng lên, qua đó góp phần nâng hệ số tín nhiệm quốc gia. Nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện nay, lợi nhuận ngân hàng cao cũng là một nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và cả nền kinh tế phục hồi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng dẫn chứng, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN vừa qua, nhiều tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Thực tế, ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh. Nếu doanh nghiệp phá sản nhiều thì ngân hàng cũng khó tồn tại. Doanh nghiệp dù gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh nhưng có phương án kinh doanh tốt, khả thi thì khó ngân hàng nào từ chối vì bản thân ngân hàng rất muốn tìm được địa chỉ tốt để cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhất mạnh.

Bên cạnh đó ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chia sẻ rằng NHNN luôn lắng nghe các ý kiến phản hồi chính sách trong thực tiễn, chắc chắn trong thời gian tới những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện các Thông tư sẽ được NHNN điều chỉnh sau cho phù hợp./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực