Khơi dòng cho mô hình BOT điện

Thứ ba, 13/04/2010 16:29
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc các bên đã cơ bản hoàn tất đàm phán về hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng mua bán than, hợp đồng đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) của Dự án Nhiệt điện Hải Dương tuần qua đã đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc triển khai các dự án điện BOT.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, việc đàm phán các hợp đồng liên quan trong Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương chỉ mất chưa đến một năm, nhanh hơn nhiều so với các dự án BOT đã và đang triển khai. Như vậy, cơ hội đẩy nhanh các dự án điện BOT khác cũng rất rộng mở.

Tuy nhiên, kết quả đàm phán nhanh chóng các hợp đồng liên quan trong dự án điện BOT Hải Dương có được là nhờ những động thái tích cực từ hai dự án điện BOT đã đi vào hoạt động là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3, đặc biệt là từ dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 do Tập đoàn AES (Mỹ) đầu tư khi vừa hoàn tất các đàm phán liên quan tới triển khai dự án.

Nếu như 2 dự án BOT đầu tiên trong lĩnh vực nguồn điện là Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 hay Nhiệt điện Phú Mỹ 3 mất cỡ 4-5 năm để thương thảo, đàm phán các hợp đồng mua bán khí, mua bán điện... thì dự án Điện BOT Mông Dương 2 đã rút ngắn được quãng thời gian đàm phán này xuống còn  3 năm. Dù thời gian chưa ngắn lại được hơn là bao so với hai dự án BOT đầu tiên, nhưng việc kết thúc và chấp nhận các điều khoản trong Dự án BOT Nhiệt điện Mông Dương 2 lại mở đường cho hàng loạt dự án điện BOT khác đang trong quá trình đàm phán giữa chủ đầu tư và các bên liên quan. Tới thời điểm này, chủ đầu tư của Dự án BOT Mông Dương 2 đã hoàn tất các hồ sơ liên quan, trình lên các cơ quan hữu trách chuẩn bị cho việc cấp phép đầu tư trong một vài ngày tới. Với vốn đầu tư 2 tỷ USD, Dự án Điện BOT Mông Dương 2 (công suất 1.200 MW) sẽ sử dụng than nội địa để sản xuất ra điện. Theo các nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, giá than được tính toán trong dự án này  khoảng 36 USD/tấn và giá bán điện bình quân là 5,036 UScent/kWh.

Ông Hường cho hay, ngoài Dự án Nhiệt điện Hải Dương được hưởng lợi từ các đàm phán và thỏa thuận trước đó của Dự án BOT Mông Dương 2, còn có Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 do Tập đoàn Janakuasa (Malaysia) phát triển, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do Công ty Lưới điện Phương Nam (Trung Quốc) phát triển, cũng có cơ hội đẩy nhanh được các đàm phán liên quan với nguyên tắc, điểm nào đã đàm phán được với các nhà đầu tư BOT trước đó thì có thể đưa ra thương thảo với các nhà đầu tư sau, thay vì đi tìm một con đường hoàn toàn khác để đàm phán các vấn đề tương tự.

Trước đó, vào ngày 7/4/2010, Bộ Công thương và Tập đoàn Janakuasa cũng đã ký văn bản thỏa thuận triển khai Dự án BOT Nhiệt điện Duyên Hải 2, đánh dấu việc bắt đầu bước vào đàm phán các hợp đồng liên quan trong dự án để nhà đầu tư hoàn tất hồ sơ, xin giấy phép đầu tư. Với thực tế đẩy nhanh được các đàm phán dựa trên việc chấp thuận các nguyên tắc của các dự án BOT trước đó, rất có thể các dự án điện BOT khác còn có thể đi nhanh hơn cả dự án BOT nhiệt điện Hải Dương. Tập đoàn Janakuasa cũng cho biết, song song với việc đàm phán các hợp đồng liên quan gồm mua bán điện, hợp đồng BOT, Janakuasa cũng đang đàm phán với các ngân hàng và tổ chức tín dụng quốc tế để thu xếp vốn cho dự án này, với mục tiêu ngay sau khi thỏa thuận xong các hợp đồng là có thể triển khai  dự án, bởi vốn đã sẵn sàng.

Điều này được đánh giá là rất quan trọng, bởi dù có thể hoàn tất được hợp đồng mua bán điện, vốn được coi là khâu khó nhất, nhưng nếu không thu xếp được vốn thì dự án vẫn có thể không triển khai được.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực