Khởi sắc nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu

Thứ sáu, 09/12/2016 16:22
Trong 11 tháng năm 2016 các doanh nghiệp kinh doanh cá cảnh ở Tp. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu được 16 triệu con, đạt trị giá hơn 16,5 triệu USD.

Trại nuôi cá cảnh tại huyện Củ Chi. Ảnh: sggp.org.vn

So với trị giá xuất khẩu cá cảnh năm 2015 là 13 triệu USD, thì năm nay các doanh nghiệp ở thành phố đã có mùa bội thu về xuất khẩu cá cảnh. Triển vọng xuất khẩu cá cảnh đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu của thành phố. Đây cũng là loại hình nông nghiệp cho giá trị cao mà không cần nhiều diện tích để sản xuất.

*Thu nhập cao từ nuôi cá cảnh

Phát triển sản xuất cá cảnh phục vụ cho xuất khẩu là một phần trong định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố hiện nay, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có khoảng gần 300 cơ sở nuôi cá cảnh; trong đó có 22 cơ sở tham gia xuất khẩu cá cảnh mang lại lợi nhuận cao cho người dân như: Công ty Sài Gòn Aquarium, Hợp tác xã Sài Gòn Aquarium, Công ty Cổ phần sinh vật cảnh Thiên Đức, Công ty Hải Thanh… Có 15 cơ sở đã có sự liên kết với nông hộ sản xuất cá cảnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sinh vật cảnh Sài Gòn Aquarium ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, HTX đã liên kết với các hộ nông dân nuôi cá cảnh tại địa phương, vừa sản xuất, tiêu thụ cá cảnh cho các hộ dân trong hợp tác xã và thu mua của người dân ngoài HTX xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia và các nước khu vực Trung Đông.

Với hình thức sản xuất chia thành 6 nhóm, sản xuất 6 chủng loại cá cảnh khác nhau như: cá moly, hoàng lan, hồng kim, tỳ bà (lau kiếng), bảy màu, hắc kì. Mỗi tháng HTX Sài Gòn Aquarium đã xuất khẩu khoảng 400.000 con – 500.000 con cá cảnh, đảm bảo người nuôi có lợi nhuận cao, mở rộng sản xuất. Để có được nguồn cá cảnh ổn định phục vụ xuất khẩu, HTX vừa hướng dẫn kĩ thuật nuôi cho các thành viên trong hợp tác xã, vừa hướng dẫn cho những người nuôi tự do ngoài hợp tác xã, đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu, tạo thuận lợi trong quá trình kí kết hợp đồng và giao hàng cho khách.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở sản xuất cá cảnh rộng 5.000 m2 tại ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho biết cơ sở của ông có 50 hồ cá; trong đó 10 hồ dùng để ép cá đẻ, số còn lại dùng để dưỡng cá. Ông nuôi chủ yếu 2 loại là cá bảy màu và cá xiêm. Khách hàng của ông là các doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh thu mua làm hàng xuất khẩu. Lợi nhuận của gia đình ông mỗi tháng là 30 triệu đồng.

*Phù hợp với nông dân đô thị

Sản xuất cá cảnh không cần nhiều diện tích đất như sản xuất các loại rau, hoa màu, lại phù hợp với điều kiện của nông dân đô thị. Do đó, trên cùng diện tích nếu sản xuất cá cảnh có thể mang lại lợi nhuận cho nông dân gấp 10 lần so với trồng rau và hoa màu. Hiện nay ở huyện Củ Chi có 560 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất cá cảnh chỉ có 35 ha, cho sản lượng 110 triệu con cá cảnh/năm, đạt giá trị 120 tỷ đồng; trong đó, xuất khẩu cá cảnh đạt 50 tỷ đồng. Như vậy, cá cảnh đã mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho chính người sản xuất, phù hợp với chương trình chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chương trình nâng chất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, để thúc đẩy việc mở rộng diện tích, phát triển sản xuất cá cảnh thì những người nuôi cá cảnh, cũng như doanh nghiệp phải áp dụng các tiến bộ kĩ thuật và sản xuất cá cảnh, nghiên cứu sinh sản nhân tạo, chọn lọc và thuần chủng một số loại cá bản địa có giá trị cao được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt là phát triển nâng cao hoạt động nghiên cứu, lai tạo cá cảnh trong Khu nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh để chuyển giao kịp thời những thành quả nghiên cứu tốt nhất đến các cơ sở sản xuất cá cảnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất liên kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học để ứng dụng công nghệ lai tạo giống tốt nhất, mặt khác doanh nghiệp cũng liên kết với các tổ chức thương mại nước ngoài để có thêm nhiều thị trường mới.

Bằng việc liên kết chặt chẽ với nông dân sản xuất cá cảnh tạo nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu, ông Lê Hữu Thiện, Tổng giám đốc Công ty sinh vật cảnh Thiên Đức cho biết, Công ty Thiên Đức thực hiện sản xuất cá cảnh theo VietGAP để xuất sang các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Vì vậy, công ty Thiên Đức thực hiện liên kết với 200 hộ dân sản xuất cá cảnh tại các huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh của Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời đã mở rộng liên kết với các hộ nông dân tại các tỉnh khu vực Tây Nam bộ như tại tỉnh Tiền Giang để tạo nguồn hàng bền vững, hướng tới tìm thêm thị trường mới trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, nhằm mục tiêu phát triển nghề nuôi cá cảnh bền vững theo hướng nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với UBND Tp. Hồ Chí Minh hướng phát triển nghề nuôi cá cảnh của thành phố đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 sản lượng cá cảnh của thành phố đạt 150 triệu -180 triệu con, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 50 triệu con với kim ngạch 50 triệu USD, đồng thời 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường./.

Hồng Nhung/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực