Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh nội dung về công tác quy hoạch, đặc biệt là việc triển khai Luật Quy hoạch tới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định tầm quan trọng, thuận lợi và thách thức của quy hoạch cả nước nói chung cũng như địa phương nói riêng.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng nêu rõ những điểm quan trọng trong nội dung triển khai Luật Quy hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, báo cáo trình Chính phủ?
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI) |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phải khẳng định rằng, triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch là nhiệm vụ lớn, quan trọng, có nhiều thách thức, đồng thời có nhiều cơ hội rất to lớn, tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của đất nước và địa phương, cụ thể:
Để triển khai đồng bộ Luật Quy hoạch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 73 luật, pháp lệnh có liên quan. Sau khi được phê duyệt, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Riêng quy hoạch tỉnh được lập tích hợp theo quy định của Luật Quy hoạch sẽ thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn từng tỉnh trước đây, bao gồm quy hoạch sử dụng đất tỉnh, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch giao thông tỉnh... Đây là công việc lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có nhiều thách thức và cơ hội lớn.
Hơn nữa, việc triển khai Luật Quy hoạch đòi hỏi và dẫn đến sự thay đổi về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường và phương thức quản lý nhà nước, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp đồng bộ liên ngành, liên cấp và tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng hơn. Các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tạo ra các điều kiện kinh doanh bị hết hiệu lực, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được thực hiện minh bạch, công khai.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định, cơ hội khi triển khai Luật Quy hoạch là lớn hơn tất cả. Có thể đánh giá như thế này, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song, triển khai Luật Quy hoạch giúp khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch – kế hoạch – đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.
Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Đáng chú ý là, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban trên cơ sở nâng cấp, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng quy hoạch quốc gia sẽ góp phần gia tăng hiệu quả triển khai, thực thi trong cuộc sống.
PV: Theo Bộ trưởng, tại sao cơ hội lại là chủ yếu khi triển khai Luật Quy hoạch và xây dựng hệ thống Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Quy hoạch và 73 luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực từ tháng 01 năm 2019, đã tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu sắc về thế chế, tư duy, phương pháp và nội dung của công tác quy hoạch, cũng như đòi hỏi và từng bước dẫn đến các thay đổi về quản lý nhà nước và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với tình hình thực tiễn và các thông lệ quốc tế tốt.
Quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành quy định tại Luật Quy hoạch đề cao tính thống nhất trong quản lý nhà nước, đề cao liên kết ngành, liên kết vùng, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và cát cứ về mục tiêu phát triển, không gian phát triển và nguồn lực phát triển.
Trong bối cảnh cả nước bước vào năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 – 2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng; các bộ, ngành, địa phương đang tập trung, khẩn trương tổ chức lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Đây là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.
Sau khi được phê duyệt, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
PV: Sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2019), những kết quả và khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Luật Quy hoạch thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?
|
(Ảnh minh họa của: PV)
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Luật Quy hoạch và đạt được 5 kết quả chính sau đây:
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai công tác quy hoạch thời kỳ mới.
Thứ hai, việc tổ chức lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 01/06 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập và trình thẩm định; các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp. Các bộ, ngành, địa phương đã bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể; thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, góp phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng.
Thứ tư, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện thông qua quy trình lập quy hoạch dựa trên cách tiếp cận tích hợp đa ngành và áp dụng các công nghệ tiên tiến; khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.
Thứ năm, công tác giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch ngày càng được chú trọng, trong đó Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đang được triển khai xây dựng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu về quy hoạch cho mọi người dân; hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai Luật Quy hoạch gặp một số khó khăn sau đây:
Một là, một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch chậm được ban hành; một số quy định chưa có sự thống nhất với quy định của pháp luật về quy hoạch, gây khó khăn cho Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch.
Hai là, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai các quy định mới của Luật Quy hoạch, đặc biệt là phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành. Việc lập Quy hoạch tỉnh theo phương pháp mới dự kiến sẽ tích hợp nội dung khoảng 50 loại quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trước đây, do vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào việc lập quy hoạch.
Ba là, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tuy đã được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhưng còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.
Bốn là, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quy hoạch vẫn còn hạn chế. Thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch chưa được xây dựng đồng bộ để phục vụ cho việc lập quy hoạch thời kỳ mới.
Năm là, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID -19 đã làm ảnh hưởng đến công tác khảo sát thực trạng, thu thập số liệu, tham vấn ý kiến về quy hoạch, gây khó khăn cho việc huy động các chuyên gia, đặc biệt đối với các tổ chức tư vấn quốc tế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tổng hợp, rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo kịp thời giải quyết các khó khăn, bất cập; tham mưu Chính phủ trong việc thực hiện các công tác cần thiết phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành theo Nghị quyết số 19/2021/QH15.
PV: Bộ trưởng có lưu ý gì thêm về công tác quy hoạch và triển khai Luật quy hoạch hiện nay không?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cho rằng, cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong bối cảnh hiện nay. Việc nhanh chóng lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển của đất nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương trong giai đoạn tới. Cần phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tất cả các cấp, các ngành.
Thêm vào đó, vẫn nên giữ nguyên phương án 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo để hoàn thiện Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021.
Hiện nay, theo thống kê rà soát của Bộ, mới có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!