Liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

Chủ nhật, 24/09/2017 21:31
(ĐCSVN) – Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương và cả vùng, từ năm 2011, các tỉnh, thành Vùng Duyên hải miền Trung đã ký cam kết hợp tác phát triển.

 Với tinh thần tự nguyện hợp tác, đến nay những thành công ban đầu mang lại được đánh giá là cơ sở, nền tảng để thời gian tới, khu vực Duyên hải miền Trung kinh tế- xã hội sẽ tiếp tục phát triển mạnh và ổn định hơn thông qua sự liên kết, hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương trong Vùng.

Đây là nhận định chung  được đưa ra của các đại biểu tại cuộc họp thường niên của Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung, tổ chức tại TP.Đà Nẵng vào chiều 24/9. Theo đánh giá, đây là cuộc họp thường niên sau hơn 6 năm Ban điều phối Vùng Duyên hải miền Trung được thành lập (7/2011) để khẳng định kết quả liên kết của các địa phương trong Vùng Duyên hải miền Trung từ năm 2011 đến nay, đồng thời thông qua cuộc họp để đề xuất với Trung ương và định hướng các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như các chủ trương mới để thúc đẩy liên kết toàn Vùng trong thời gian đến.

Tại cuộc hợp, đại diện lãnh các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 9 tỉnh Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận) và các thành viên Nhóm tư vấn phát triển Vùng Duyên hải miền Trung đã đánh giá những kết quả ban đầu đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Đánh giá về kết quả liên kết Vùng thời gian qua, đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hóa, Trưởng Ban Điều phối Vùng năm 2017 cho biết, sau hơn 6 năm kể từ khi Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung được thành lập (7/2011 tại TP.Đà Nẵng) trên cơ sở sáng kiến và tinh thần tự nguyện của lãnh đạo chủ chốt 07 tỉnh ban đầu gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đến nay, với sự đồng thuận và thống nhất thực hiện Biên bản cam kết liên kết phát triển Vùng Duyên hải miền Trung nhân dịp Hội thảo Khoa học “Liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung” tổ chức tại Đà Nẵng vào 15/7/2011; sau đó đến 8/2012 bổ sung thêm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, vấn đề triển khai nhiệm vụ và tiến hành liên kết Vùng trong khu vực đã có những chuyển biến và kết quả bước đầu.

Trong đó, các địa phương thực hiện liên kết bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn Vùng để cùng phát triển. Sự liên kết này được phát huy trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn Vùng. Nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí, đơn vị và đối tác thực hiện.

Thông tin thêm tại cuộc họp, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng Duyên hải miền Trung- TS.Trần Du Lịch đánh giá, sự liên kết hợp tác phát triển Vùng Duyên hải miền Trung hơn 6 năm qua được tập trung hướng vào các mục tiêu: Khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư.

 Năm 2016, tổng GRDP của 09 tỉnh, thành phố trong Vùng Duyên hải miền Trung đạt 465,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong Vùng đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm trong giai đoạn 2011 – 2016, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,9%/năm). Cơ cấu kinh tế của các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ yếu là công nghiệp – dịch vụ, chiếm khoảng 72% (riêng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 41,6%). Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tương đối cao, tuy nhiên quy mô các ngành lĩnh vực còn chưa đủ lớn, vì vậy mức GRDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trong Vùng vẫn còn thấp, xấp xỉ 44,8 triệu đồng/người bằng 92,2% so với mức bình quân cả nước.
Trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng không đồng đều, chênh lệch GRDP bình quân đầu người của các địa phương phát triển nhất như: Đà Nẵng gấp khoảng hai lần GRDP bình quân của các tỉnh phát triển kinh tế thấp hơn như: Ninh thuận, Phú Yên, Bình Định và Quảng ngãi (nếu không tính nhà máy lọc dầu Bình sơn, Dung quất).

TS.Trần Du Lịch cũng khẳng định, trong điều kiện những năm đầu, ưu tiên liên kết, hợp tác trước mắt của các địa phương tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; phát triển mạnh ngành khai thác và chế biến thủy sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư…  qua đó tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo TS.Trần Du Lịch, mặc dù còn phải hoàn thiện cơ chế điều phối liên kết phát triển, khắc phục những hạn chế thực tiễn hoạt động trong các năm qua, song việc liên kết phát triển của các tỉnh Duyên hải miền Trung đã bắt đầu có những chuyển biến cả nhận thức và hành động về việc hợp tác phát triển Vùng từ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành cho đến cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, trên cơ sở xác định các lĩnh vực kinh tế vùng cần được ưu tiên phát triển, Ban Điều phối Vùng chủ trì và phối hợp với các Ban, Bộ ngành Trung ương (Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn...) và các địa phương trong việc tổ chức huy động đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước với 03 tọa đàm, 10 hội thảo khoa học, 02 hội nghị mang tầm cỡ quốc gia với các chủ đề nghiên cứu liên kết phát triển du lịch vùng, địa phương; liên kết đào tạo nguồn nhân lực; liên kết phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp, liên kết thu hút đầu tư; khai thác kinh tế biển… Các tỉnh, thành phố đều thu được lợi ích nhất định từ chương trình phát triển này, điều này được ghi nhận trong các báo cáo kinh tế - xã hội và nội dung Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016 – 2020 của các địa phương.

Về hợp tác trong xây dựng cơ chế, chính sách và thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, quảng bá văn hóa, TS.Trần Du Lịch cho biết thêm, các địa phương trong Vùng đã có những chú trọng hơn trong liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là các chương trình nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch của địa phương đồng thời tăng lượt khách, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch.

Các địa phương cũng đã phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách chung cho các tỉnh trong Vùng, đặc biệt là trong việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tập đoàn ô tô Trường Hải đã được lựa chọn là doanh nghiệp tiên phong để thử nghiệm phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp ô tô nhằm thúc đẩy sự phối hợp liên tỉnh và kiên kết vùng.

Về vấn đề tham gia tư vấn tầm nhìn phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, trên nền tảng quan điểm hợp tác phát triển toàn Vùng thông qua các buổi làm việc của Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng và Ban Điều phối Vùng với các địa phương trong Vùng, cũng như tại các Hội nghị, Hội thảo do các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong Vùng tổ chức, một số nội dung quy hoạch ngành, đồ án điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong thời kỳ mới 2020 – 2030 đã được lồng ghép với định hướng phát triển của các đô thị lân cận, các địa phương giáp ranh.

Đồng chí Lê Thanh Quang, Trưởng Ban Điều phối Vùng

Duyên hải miền Trung năm 2017 cho rằng, nội dung hợp tác về kinh tế

giữa các địa phương còn tương đối đơn điệu, vẫn chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hóa, Trưởng Ban Điều phối Vùng năm 2017 thì, ngoài nguyên nhân chung liên quan đến điều kiện phát triển của bản thân các địa phương trong Vùng và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thì những nội dung hợp tác về kinh tế giữa các địa phương còn tương đối đơn điệu, vẫn chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, sự vụ giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh trong quá trình thực hiện các chương trình dự án liên quan.

Về kết cấu hạ tầng, toàn vùng có 06 khu kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu; 01 khu công nghệ cao; 37 khu công nghiệp (trong đó có 22 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, diện tích đất đã cho thuê là 5.588 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 42%); 06 cảng hàng không, trong đó có 4 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh); 13 cảng biển (trong đó có 07 cảng biển loại I); 14 Quốc lộ, đường sắt Bắc Nam, phân bố khá đều giữa các địa phương, nối liền các đô thị, cơ bản đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tỉnh trong Vùng.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục quốc lộ, giữa các điểm nút giao thông với các địa phương trong các tỉnh vẫn còn hạn chế, dễ bị xuống cấp, chia cắt khi gặp phải bão lũ, giảm khả năng tăng trưởng bao trùm.

Về thu hút đầu tư, tổng thu hút đầu tư xã hội vào các địa phương trong Vùng năm 2016 đạt 187,5 ngàn tỷ đồng bằng 13,28% tổng vốn đầu tư cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.000 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 29.768 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 5,5 tỷ USD (3,1% cả nước).

Đồng chí Lê Thanh Quang cũng nhận định, các liên kết về kinh tế giữa các địa phương thực tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay nói cách khác chưa xuất phát từ yêu cầu liên kết thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.

“Những hạn chế trên là khó tránh khỏi vì thực chất, Ban Điều phối Vùng không phải là một định chế trong hệ thống tổ chức nhà nước. Hơn thế nữa Ban điều phối Vùng cũng không phải là một tổ chức được Nhà nước công nhận, nên không có tư cách pháp nhân và mọi quan hệ trong hoạt động chỉ thuần túy là quan hệ cá nhân, hoặc dựa vào pháp nhân của Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung (một tổ chức thuộc Ban Điều phối Vùng) nên thiếu tính chặt chẽ của một tổ chức, không ràng buộc được trách nhiệm của các thành viên, nên không phát huy được thế mạnh của cơ chế điều phối phát triển chung của cả Vùng. Nguyên tắc hoạt động “đồng thuận” vẫn là một nguyên tắc cần thiết và đúng đắn, nhưng đôi lúc làm chậm các quá trình liên kết vùng và gây khó khăn cho việc thực thi các giải pháp đột phá ở quy mô Vùng vì tầm nhìn khác nhau của các thành viên”- Trưởng Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung năm 2017, đồng chí Lê Thanh Quang nhấn mạnh./.

Bài 2: Những vấn đề đặt ra trong liên kết phát triển Vùng Duyên hải miền Trung

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực