Tham dự sự kiện này có đại diện các bộ ngành và hiệp hội, các nhà nghiên cứu, các giảng viên đầu ngành uy tín của cả nước về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cùng các doanh nghiệp logistics trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
|
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh khu vực và toàn cầu" (ảnh: Đình Tăng). |
Phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng nhằm kết nối với khu vực
Theo Ban tổ chức, Hội thảo là không gian trao đổi kiến thức, chia sẻ công nghệ và giải pháp phát triển logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại khu vực miền Trung và liên kết chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh mới với các tham luận chuyên môn sâu đến từ các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp, giảng viên ngành logistics.
Xuyên suốt Hội thảo là những góc nhìn khoa học liên ngành, đa ngành với những phân tích ở nhiều phương diện khác nhau: giải pháp đào tạo và phát triển nhân lực logistics Việt Nam thích ứng hội nhập và chuyển đổi số, phát triển hệ thống logistics ở khu vực miền Trung trong bối cảnh mới, ứng dụng công nghệ phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng, vai trò logistics đối với thương mại điện tử,…
Tham luận “Đào tạo và phát triển nhân lực logistics Việt Nam thích ứng với hội nhập quốc tế và chuyển đổi số” của PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA), Phó chủ tịch HH Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) dẫn nguồn VLA/VLI Sách trắng Logistics Việt Nam 2018, Việt Nam có khoảng 4.000 công ty Logistics chuyên nghiệp (trên tổng hơn 30.000 doanh nghiệp). Trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về nhu cầu nhân lực ngành này, theo Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) năm 2021, ngay trong khoảng thời gian dịch bệnh đang tiếp diễn, có đến 34,88% các doanh nghiệp logistics vẫn dự định tuyển thêm nhiều nhân sự mới với mức tuyển dụng từ 10 người/1 đơn vị. Nhu cầu tuyển dụng đến 2030 là hơn 200.000 nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng hiện chỉ chiếm 10% nhu cầu.
Báo cáo cũng kiến nghị 3 nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro. Trong đó là: chú trọng phát triển các nhóm kỹ năng cần thiết cho nhân lực logistics (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, kỹ năng xã hội và cảm xúc,…); đào tạo nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (hoàn thiện bộ chuẩn nghề, nâng chất lượng giảng viên theo chuẩn quốc tế,…), sự kết hợp giữa ba Nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp.
|
Các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều góc nhìn khoa học liên ngành, đa ngành với những phân tích ở nhiều phương diện khác nhau dối với lĩnh vực logistics Việt Nam (ảnh: Đình Tăng). |
Báo cáo “Vai trò của Đà Nẵng trong phát triển hệ thống logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên” của ThS. Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, dẫn số liệu thống kê đến tháng 4/2022, Đà Nẵng hiện có 1.056 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics, đặc biệt đã có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại Đà Nẵng. Thành phố cũng đứng thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp logistics của cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai).
Lực lượng nhân lực tham gia dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện chiếm khoảng 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với khoảng 14.000 lao động năm 2022 (gấp 4 lần so với năm 2011). Quy mô doanh nghiệp và nguồn nhân lực luôn duy trì vị thế dẫn đầu trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa Đà Nẵng thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics sau đào tạo và là “cái nôi” phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực. Báo cáo cũng đề cập một số giải pháp trọng tâm phát triển dịch vụ logistics của thành phố Đà Nẵng nhằm kết nối hiệu quả với khu vực miền Trung, Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông–Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Phần trình bày tham luận “Phát triển hệ thống logistics miền Trung” của ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chỉ ra những vấn đề còn hạn chế trong phát triển hệ thống logistics miền Trung bên cạnh nhiều mặt lợi thế và tiềm năng rất lớn. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics trên địa bàn miền Trung chỉ chiếm 3,2% so với cả nước (số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) (2018). Phần lớn các doanh nghiệp còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Báo cáo cũng nêu các giải pháp phát triển logistics miền Trung, trong đó về phát triển nhân lực lĩnh vực này, cần phát huy hiệu quả hoạt động đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo ngành logistics tại các trường đại học tại miền Trung để cung ứng nhân lực tại nguồn. Đồng thời, có chính sách thu hút nguồn nhân lực logistics chất lượng cao từ các thành phố lớn trở về làm việc tại địa phương.
Dịp này cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực giữa Đại học Đông Á với các doanh nghiệp logistics trên địa bàn miền Trung và trao quyết định thành viên Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đến trường Đại học Đông Á.
Ký kết hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực logistics
Với việc Đại học Đông Á trở thành thành viên của VALOMA, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) sẽ là cầu nối nối kết đội ngũ chuyên gia logistics trong nước và quốc tế tham gia góp ý chương trình đào tạo, giảng huấn chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Đồng thời nối kết các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội trong tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tuyển dụng sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tất cả sinh viên của ngành này Đại học Đông Á được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên môn tại doanh nghiệp và ưu thế làm việc ngay sau tốt nghiệp.
|
Lễ ký kết hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực giữa Đại học Đông Á với các doanh nghiệp logistics trên địa bàn miền Trung (ảnh: Đình Tăng). |
Theo văn bản hợp tác đào tạo và cung ứng nhân lực được ký kết với Công ty Cổ phần Asiatrans Vietnam, Công ty Nextpay Vietnam, Công ty CP logistics cảng Đà Nẵng (Danalog) và Công ty Thành Vinh Holdings, các đơn vị này sẽ tham gia xây dựng chương trình đào tạo thực hành ngành Logistics, tiếp nhận thực tập cũng như ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh Đại học Đông Á. Lộ trình tiếp nhận từ 2023 với từ 15 sinh viên mỗi đơn vị mỗi năm.
Tại Hội thảo cũng giới thiệu đội ngũ nhân sự tham gia ban giảng huấn ngành Logistics & quản lý chuỗi cung ứng Đại học Đông Á. Là đại học đầu tiên tại Đà Nẵng đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, chương trình đào tạo ngành này tại Đại học Đông Á được xây dựng quy củ với sự góp ý và tham gia giảng huấn của các chuyên gia trong lĩnh vực logistics đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước và các doanh nghiệp logistics.
“Đón đầu đào tạo với đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hợp tác đào tạo, phát triển và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng được trang bị kiến thức và kỹ năng số hướng “đặt hàng” từ doanh nghiệp đối với 2 ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế Đại học Đông Á là một bước đi tích cực, sẽ rút ngắn bớt quá trình số hóa của các doanh nghiệp logistics, đồng thời có thể giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ chuyển dịch sang giai đoạn logistics 4.0 của doanh nghiệp logistics”, TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết./.