Long An đảm bảo cuộc sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Thứ sáu, 04/10/2024 09:04
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đi đôi phát triển kinh tế, các địa phương trong tỉnh Long An còn quan tâm chăm lo, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

 

Vận động các nguồn lực xoá nhà tạm, nhà dột nát

Báo cáo từ  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, qua kết quả rà soát, tổng hợp, hiện trên địa bàn tỉnh còn 372 hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở nằm trong diện thụ hưởng của phong trào thi đua, trong đó có 261 hộ cần xây mới nhà ở, 111 hộ cần cải tạo nhà ở. Kinh phí cần hỗ trợ để xây mới và cải tạo nhà ở ước gần 19 tỉ đồng (năm 2024 hơn 11,8 tỉ đồng, năm 2025 hơn 7,1 tỉ đồng). Theo kết quả rà soát, tổng hợp, có 6 huyện, thị xã trong tỉnh còn nhà tạm bợ, dột nát là Tân Hưng (241 căn), Thủ Thừa (32 căn), Mộc Hóa (29 căn), Thạnh Hóa (29 căn), Đức Huệ (21 căn) và thị xã Kiến Tường (20 căn).

Hội CCB TP Tân An Trao quyết đình bàn giao "Nhà đồng đội" cho hội viên (Ảnh: Chí Tâm)

Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được bắt đầu triển khai, thực hiện từ tháng 9/2024. Theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 để lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030. Qua đó, tổng kết, đánh giá phong trào, khen thưởng thành tích thi đua vào cuối năm 2025. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng và cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua này.

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Long An,  phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm tạo khí thế sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tập trung mọi nguồn lực xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

Theo kế hoạch của tỉnh ban hành, phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tập trung vào 5 nội dung trọng tâm. Đó là thi đua huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, toàn dân thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân; thi đua xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; đồng thời, qua đây còn thi đua sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương; thi đua thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để triển khai, thực hiện phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát tình hình thực tế, số lượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Từ đó, đánh giá hiện trạng nhà ở, số lượng nhà tạm bợ hiện tại trên địa bàn để có kế hoạch triển khai, thực hiện, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Nỗ lực từ các địa phương

Xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy chỉ đạo Khối Vận triển khai đến UBMTTQ Việt Nam, đoàn thể, các chi bộ tập trung tuyên truyền giảm nghèo về thông tin, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, nắm bắt từng hoàn cảnh của hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp. Với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt như người già neo đơn, bệnh hiểm nghèo, có con trong độ tuổi đi học thì trợ cấp hàng tháng, nhận nuôi dưỡng,... giúp giảm gánh nặng cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2024, xã quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Với vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức đầu tư trồng chanh ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế. (Ảnh: Mai Hương)

Xã Long Thuận thực hiện mô hình Tổ tự quản giảm nghèo năm 2024 nhằm kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đầu năm 2024 đến nay, tổ giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo nuôi ếch và buôn bán nhỏ với tổng số tiền 10 triệu đồng. Qua mô hình này, dự kiến có 3 hộ thoát nghèo bền vững trong năm nay.

Ngoài ra, xã Long Thuận còn thực hiện mô hình Đa dạng hóa sinh kế với 6 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Mô hình hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ, từ đó có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức hiện còn 32 hộ nghèo, 57 hộ cận nghèo. Thời gian qua, xã gắn thực hiện chương trình giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới nâng cao và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác.

Để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xã Thành Hoà, huyện Bến Lức đã triển khai hiệu quả việc trao sinh kế, hỗ trợ an cư cho người dân bằng nhiều cách thức như phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức hỗ trợ nông dân vay ủy thác qua các đoàn thể để có vốn đầu tư sản xuất, trồng chanh ứng dụng công nghệ cao nhằm mang lại giá trị cao trên một diện tích đất sản xuất và thu nhập ổn định…./..

 

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực