Long An: Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển

Thứ hai, 11/09/2023 11:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo đánh giá từ Sở Công thương tỉnh Long An, hiện hạ tầng thương mại được hình thành và phát triển nhanh, các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh làm cho lưu thông hàng hóa ổn định.

 Tỉnh Long An đang phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. (Ảnh: T.T/danviet)

Thực hiện Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh Long An đã triển khai nâng cấp 21 chợ truyền thống, tổng số vốn đầu tư 59.162 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách 17.519,6 triêu đồng, vốn xã hội hóa 41.822,4 triệu đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 125 chợ (02 chợ loại 1,14 chợ loại 2, 109 chợ loại 3; 18 chợ truyền thống do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và khai thác), trong đó có 107 chợ nông thôn. Ngoài ra có sự phát triển của hạ tầng thương mại hiện đại, kinh doanh tổng hợp gồm 07 siêu thị (04 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 03 siêu thị điện máy); 01 Trung tâm thương mại Vincom Plaza; đến nay có 279 Cửa hàng tiện lợi (tăng 114 cửa hàng tiện lợi so với ngày 31/12/2021); 475 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 03 kho xăng dầu; 02 dự án Logistics đi vào hoạt động; 18 thương nhân kinh doanh mua bán LPG; 03 thương nhân bán buôn rượu; 10 thương nhân bán buôn thuốc lá.

Tỉnh Long An đã mời gọi Công ty TNHH AEON Việt Nam đầu tư dự án Trung tâm mua sắm AEON - Tân An có quy mô đầu tư trên phần diện tích trên 21.800m2, địa điểm thực hiện dự án tại Khu dân cư trung tâm mở rộng Phường 6, thành phố Tân An. Tiến độ xây dựng các hạng mục công trình dự kiến từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2024, chính thức hoạt động là 12/2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Long An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 về việc ban hành Kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2017 – 2021; Quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2017 - 2021.

Đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Long An cho biết: Hầu hết, các chợ đã hình thành từ lâu, hoạt động ổn định, góp phần tích cực phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương; là kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản quan trọng của địa phương. Các chợ truyền thống được đầu tư theo đúng quy hoạch và triển khai thông tin rộng rãi đến người dân. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố có bổ sung kinh phí để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới chợ nhưng nguồn kinh phí không đáng kể nhưng cũng cải thiện được phần nào về cơ sở vật chất, các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, phát triển các cơ sở phân phối, giúp gắn kết và hợp tác hiệu quả từ thu mua, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện bình ổn thị trường tại các xã nông thôn.

Theo đánh giá từ Sở Công thương tỉnh Long An, hiện hạ tầng thương mại được hình thành và phát triển nhanh, các chợ hoạt động tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, mẫu mã phong phú góp phần phát triển hệ thống thương mại của tỉnh làm cho lưu thông hàng hóa ổn định; 34.367 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại (trong đó 2.562 doanh nghiệp và 31.805 cơ sở), tăng 836 doanh nghiệp và cơ sở thương mại so với năm 2020; hoạt động logistics với sự phát triển của cảng quốc tế Long An giúp kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ.

Đối với sự phát triển thương mại, ngoài phát triển hạ tầng thương mại để phục vụ phát triển thị trường nội địa, tỉnh Long An phát triển mạnh xuất khẩu; với sự tham gia của 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, xuất khẩu trên 110 nước, 3 vùng, lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,1 tỷ USD, năm 2022 là 07 tỷ USD; xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu dệt may, da giầy, nông thủy sản (gạo, thanh long, chanh, chuối, hạt điều…), bình acquy, sắt thép, cơ khí điện tử.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ, hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh cũng còn hạn chế. Nhiều chợ đã hình thành từ lâu đời nhưng chưa nâng cấp, cải tạo; nhiều chợ xuống cấp; mô hình chợ an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện, nhân rộng; khó cạnh tranh với kênh phân phối hiện đại; thu hút đầu tư trung tâm logistics còn chậm.

 Trên địa bàn tỉnh Long An các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mai đang ngày càng phát triển. (Ảnh: Báo Long An)

Thời gian tới, để phát triển hạ tầng thương mại để nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ, nâng cao văn minh thương mại như các kênh phân phối hiện đại, tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị rà soát thực trạng phát triển chợ, đánh giá hiệu quả hoạt động của chợ để đề xuất đầu tư phù hợp, nhất là các địa phương công nghiệp có nhiều lao động, nhiều điểm bán hàng tự phát.

Long An Quan tâm đầu tư, xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các chợ theo hướng văn minh, hiện đại: quy mô, kết cấu chợ phù hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm; bố trí sắp xếp ngành hàng, phù hợp phong tục, thói quen. Rà soát, đề xuất vị trí thu hút đầu tư phát triển các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Xây dựng lộ trình phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh./.

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực