Một vùng trồng lúa chất lượng cao ở Long An (Ảnh: K.V)
Bộ mặt nông thôn ở Long An trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đường giao thông được cải tạo, nâng cấp tạo thuận lợi cho người dân đi lại, việc giao thương giữa các vùng dễ dàng hơn, những mặt hàng nông sản đã tiếp cận với thị trường bên ngoài nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Không những thế, hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện lưới, viễn thông, thủy lợi… cũng được đầu tư mạnh mẽ, nguồn lực ấy một phần cũng do các địa phương đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới, năng suất, hiệu quả, được đưa vào sản xuất đại trà, tạo nên những sắc màu đa dạng trong sản xuất nông nghiệp ở Long An.
Huyện Châu Thành là một ví dụ về chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long xuất khẩu. Theo đó, Châu Thành đặt ra mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới của Long An vào năm 2018. Đến nay, Châu Thành có 7/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã đang chờ quyết định và ba xã còn lại đang trong giai đoạn hoàn tất 19 tiêu chí trong năm 2017.
Cũng như nhiều địa phương khác của Châu Thành, từ nhiều năm qua, xã Thanh Vĩnh Đông đã tập trung phát triển diện tích cây thanh long, từ việc thay đổi cây trồng này mà lao động nhàn rỗi tại Thanh Vĩnh Đông có việc làm tại các khu vực sản xuất, thu gom thanh long, từ đó, đời sống người dân được nâng lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, việc học hành của các em được chú trọng hơn. Theo lãnh đạo xã Thanh Vĩnh Đông, tỷ lệ hộ nghèo điều tra theo phương pháp đa chiều mới đây tại địa phương này là 3,8%, đạt so với tiêu chí đề ra. Nhưng con số đó bền vững khi cây thanh long phát triển bền vững.
Trong năm 2017, cùng với Thanh Vĩnh Đông, tất cả các xã của huyện Châu Thành đang tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới. Nơi đạt chuẩn tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí, nơi chưa đạt đang cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Đề án 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở Châu Thành là điểm tựa vững chắc để người dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thêm quyết tâm vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới nơi đây.
Năm nay, nông dân huyện Tân Thạnh đang phấn khởi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra, đó là xây dựng vùng lúa chất lượng cao, trên thực tế đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tân Thạnh là một trong năm huyện của tỉnh Long An được quy hoạch 50.000ha vùng lúa chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh lần thứ IX xác định, chương trình đột phá của nhiệm kỳ là tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao. Năm 2016, Huyện ủy ban hành nghị quyết về việc tiếp tục xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại. Riêng Tân Thạnh đề ra mục tiêu xây dựng 10.000ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm đồng nhất, ổn định, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng; phát huy tiềm năng, lợi thế và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai, nguồn nước, hướng đến phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; không ngừng nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đến nay, toàn huyện có 5 hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả, nhất là Hợp tác xã Tân Đồng Tiến (xã Tân Lập). Người dân khi tham gia vào hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao được hưởng nhiều lợi ích, đó là được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung cấp nguồn giống xác nhận, cho vay trả chậm tiền mua vật tư nông nghiệp và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm. Từ đó họ yên tâm sản xuất. Tính ra, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ và sản phẩm bán ra với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg.
Khác với nhiều địa phương, ngoài cây lúa chất lượng cao, huyện Thạnh Hóa đang đưa các loại cây trồng như dứa, khoai mỡ, chanh… vào sản xuất đại trà, những loại cây này đã và đang cho bà con nông dân Thạnh Hóa thu nhập cao hơn trồng lúa, từ đó, bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi rõ rệt.
Anh Nguyễn Văn Tài, ở ấp 5, xã Tân Tây là người đầu tiên đưa cây dứa về trồng trên vùng đất này. Đến nay, anh Tài đã có 5ha đất trồng dứa. Hiện cây dứa đang là cây thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của xã Tân Tây, bởi dứa rất dễ trồng và đỡ tốn công chăm sóc hơn cây lúa. Giá bình quân lại cao hơn lúa, khoảng 7.500 đồng/kg.
Lãnh đạo xã Tân Tây cho biết, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng vùng nguyên liệu dứa ở ấp 5 đến năm 2020 là 600ha, hiện tại là trên 322ha. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ người dân trồng dứa vay trên 400 triệu đồng, mỗi ha được hỗ trợ 11 triệu đồng. Qua đó, giúp các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn mạnh dạn chuyển đổi sang cây dứa, loại cây mang hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất Tân Tây.
Một trong những loại cây trồng khác giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp được chọn xây dựng vùng chuyên canh tại Thạnh Hóa là cây khoai mỡ ở xã Thủy Đông. Hiện tại, toàn xã có trên 800ha đất trồng khoai mỡ. Theo chỉ tiêu nghị quyết, năm 2020, nơi đây sẽ là vùng chuyên canh khoai mỡ với 1.000ha. Bình quân 1ha khoai mỡ có lợi nhuận 70 triệu đồng/năm. Khoai mỡ năm nay được mùa, được giá nên các hộ nông dân ở Thủy Đông có một cái Tết sung túc, phấn khởi.
Còn tại huyện Thủ Thừa, sau thời gian thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện về phát triển đàn bò thịt trên địa bàn, năm 2017 này, tổng đàn bò của huyện tiếp tục tăng lên theo đúng mục tiêu mà nghị quyết đề ra. Đây là nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có tổng đàn bò thịt 5.000 con, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, huyện Thủ Thừa sẽ phát triển đàn bò thịt với phương châm khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế, những hộ dân có diện tích đất sản xuất kém hiệu quả có thể chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đồng thời, đây cũng là biện pháp tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi, phế phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi. Từ đó, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định kinh tế.
Ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thủ Thừa cho biết, người dân tham gia vào chương trình trên chỉ cần đáp ứng các yếu tố, đó là vốn đối ứng mua con giống, diện tích đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò hoặc nguồn thức ăn khác dự trữ, có công chăm sóc, đất xây chuồng ở vị trí thích hợp, không ảnh hưởng môi trường và có giải pháp xử lý phân, chất thải,…vì vậy, huyện khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng đầu ra. Đồng thời, do nguồn vốn có hạn nên huyện tập trung khuyến khích, có chế độ hỗ trợ những người tham gia nuôi lần đầu, sau đó, tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi phát triển tăng đàn. Huyện Thủ Thừa đã chọn Bình An làm xã điểm triển khai thực hiện và tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn huyện.
Tại thời điểm ban hành nghị quyết, huyện Thủ Thừa có 1.241 con bò với 610 hộ chăn nuôi, số bò cái trong giai đoạn sinh sản là 740 con, tập trung nhiều ở các xã: Bình Thạnh, Mỹ Phú, Mỹ An, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Nhị Thành, Bình An… Khi xây dựng kế hoạch của Ban Điều hành thì tổng số bò thịt trên địa bàn là 1.566 con, tăng 325 con so với thời điểm ra nghị quyết. Năm 2016, huyện Thủ Thừa có trên 740 hộ nuôi bò thịt với trên 2 nghìn con, đạt kế hoạch đề ra. Hiện tại, chăn nuôi bò tại nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao do ít tốn công chăm sóc, bò chủ yếu ăn cỏ, rơm nên chi phí thức ăn không cao như nuôi các con vật khác là lợn, gà, vịt… Nếu có đủ các điều kiện thuận lợi, không tính công lao động nhàn rỗi thì ước tính trung bình mỗi năm, lợi nhuận từ việc nuôi bò từ 5-7 triệu đồng/con.
Được biết, mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện Thủ Thừa sẽ phát triển mới 400 hộ dân nuôi bò thịt, với 100% hộ dân chăn nuôi bò được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi bò; áp dụng các kiến thức về phương pháp dự trữ, chế biến phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò và tổng số đàn bò trên địa bàn huyện là 5.000 con./.