Mai vàng Bình Định vào vụ Tết

Thứ ba, 16/01/2018 15:15
Tuy phải trải qua nhiều trận lũ, nhưng mai vàng Bình Định cùng với 5 làng nghề truyền thống ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn vẫn đảm bảo cung cấp cho thị trường Tết hàng triệu cây.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tiền phong.

Hơn 30 năm trước, cây mai xuân được bén duyên với đất Nhơn An từ miền Nam. Vốn là vùng đất được trồng nhiều mai tứ quý trước đó, đất Nhơn An trở thành vùng đất khởi phát cho nghề trồng mai vàng kiểu chơi Tết cho người Bình Định, rồi cho cả miền Trung và cả nước hiện nay.

Sau mấy mươi năm “sướng, khổ” cùng nông dân xã Nhơn An, cây mai vàng cũng như người vùng đất võ, nếu có bị nước lũ gây ngập hàng tháng trời, mai vẫn không chết. Chỉ cần lũ rút, nông dân rửa sạch lá mai khỏi cho bùn bám dính, vậy là mai lại càng tươi tốt. Những cành mai bị gãy thòng, cứ để tự nhiên một thời gian, nhựa mai tứa ra tự chữa lành vết thương, cành mai vẫn sống, vẫn cho hoa vào dịp Tết. Còn hơn thế, nhiều loại mai thế, mai kiểng cũng ra đời theo thời gian.

Năm nay, Bình Định lại tiếp tục chịu nhiều thiên tai, bão lũ, 5 làng mai tại xã Nhơn An nhiều nơi bị ngập sâu suốt nhiều ngày. Cứ lũ rút đến đâu, người trồng mai lại tát nước rửa lá tới đó. Cảnh mai và người sống chung với lũ bao năm rồi trở thành quen thuộc. Anh Bùi Xuân Vũ, làng nghề trồng mai truyền thống Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bịnh Định), là một trong những người quyết định bỏ làm ruộng, chuyển sang trồng mai vài năm nay, hiện vẫn đang tạo lại tán cho mai, chỉnh sửa những chi tiết nhỏ nhất để mai vàng của anh đến với người chơi Tết. Anh Vũ nói: “Mấy trận lũ cũng làm cho bà con trồng mai vất vả. Hiện tại thì mưa và không khí lạnh kéo dài, khác với mọi năm, nên người trồng mai phải vất vả phán đoán thời tiết để chọn thời điểm lặt lá mai phù hợp, đảm bảo mai vẫn nở rộ vào dịp Tết nguyên đán”.

Trên dọc các tuyến đường đi qua 5 làng nghề truyền thống trồng mai vàng Thuận Thái, Thanh Liêm, Háo Đức, Trung Định, Tân Dương đang nhộn nhịp mùa mai Tết, Nhơn An là vùng đất vua. Tại đây vẫn còn tồn thành di tích Thành Hoàng Đế của kinh đô trung ương Hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc. Kinh thành được xây dựng trên nền thành Đồ Bàn của một trong những vương quốc Chămpa cổ.

Vì vậy, vùng đất An Nhơn có rất nhiều làng làm các nghề thủ công phục vụ cho các vương triều. Đến nay, vùng đất này có tới 26 làng nghề truyền thống còn được gìn giữ. Người An Nhơn khéo tay, chăm chỉ, kỹ lưỡng và có óc sáng tạo, nghệ thuật cao cũng là vì vậy. Chẳng ngạc nhiên khi cây mai vàng đến với đất An Nhơn thì đã phát tiết, mang một phong thái đĩnh đạc, uy nghi và mang lại nhiều giá trị hơn hẳn.

Mỗi năm, có khoảng hơn 2 triệu cây mai vàng từ các làng nghề trồng mai ở thị xã An Nhơn được cung ứng cho người chơi mai khắp cả nước. Mai vàng là loại cây thân gỗ lâu năm, thường mọc thẳng, có dáng cương trực của người quân tử. Mai nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán và màu vàng rực, là dấu hiệu mang đến tài lộc cho người chơi đầu năm mới. Người Nhơn An hoàn thiện mai vàng hơn nữa khi mang đến những kiểu dáng cây cảnh cho loại hoa xuân quý phái này. Vì vậy, mỗi năm, nhu cầu của thị trường chơi mai vàng một nhiều hơn.

Đã có hàng ngàn hộ gia đình tại thị xã An Nhơn khá lên nhờ nghề trồng mai. Mỗi năm, nhiều hộ gia đình thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Làng nghề trồng mai mỗi ngày một rộng thêm, người trồng mai mỗi ngày một nhiều; thế nhưng nhu cầu của thị trường cũng tỉ lệ thuận – mỗi ngày một tăng.

Năm nay, sau khi trải qua nhiều trận bão, lũ, mai vàng An Nhơn vẫn được người trồng mai chăm rất chu đáo và đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Khắp các làng nghề trồng mai vàng, nơi nơi đang tập trung lặt lá cho số mai sẽ “gia nhập” thị trường phía Bắc. Anh Bùi Xuân Vũ nói: “Thời điểm này là thời điểm lặt lá mai cho hoa đi miền Bắc. Vì thời tiết miền Bắc lạnh hơn nên phải lặt sớm hơn, đảm bảo nụ hoa đủ và sẽ nở khi ra tới tiết xuân đất Bắc”.

Tuy thời tiết gây khó khăn, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, người trồng mai vàng An Nhơn không khó để bắt kịp bằng những kỹ thuật chăm sóc riêng. Vườn mai Sáu Hồng, làng nghề trồng mai vàng Thanh Liêm, đang phải gọi nhiều công lao động để lặt lá mai. Năm nào cũng vậy, vào độ này, chủ vườn mai Sáu Hồng ông Phan Văn Sáu phải thuê nhiều nhân công, tất tả lặt lá mai để kịp giao cho khách hàng. Trong vườn mai của ông có rất nhiều chậu đã được “cột dây đỏ” (tức đã được đặt hàng). Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn cây mai của ông có thể cung ứng vào thị trường.

Ông Sáu bày tỏ, “thị trường năm nay có lo ngại cho mai vàng Bình Định vì mưa lũ kéo dài, nhưng người trồng mai Bình Định đã có kinh nghiệm lâu năm, vẫn đáp ứng cho thị trường đủ số mai cần thiết”.

Nhìn hàng ngàn cây mai vàng đơm nụ đặc kín thì rõ ràng kinh nghiệm của những nghệ nhân trồng mai ở đây đã thừa sức để vượt qua cái khác lạ của thời tiết. Mai vàng An Nhơn vẫn sẵn sàng vàng rực cho một mùa Tết./.

Phạm Kha/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực