Mô hình Tổ hợp tác giúp các hội viên giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 05/04/2024 15:39
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của các mô hình hợp tác xã, các tổ hợp tác (THT) sản xuất lần lượt ra đời, giúp các hội viên tăng thêm thu nhập, giúp các hội viên khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững.

Quảng bá sản phẩm sầu riêng ra thị trường

Đoàn lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam thăm vườn sầu riêng ông Lê Hoàng Thông, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng Sầu Riêng Tân Thới, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ (Ảnh: Nguyễn Hào)

Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được thành lập và đi vào hoạt động ngày 24/3/2017 trên địa bàn ấp Trường Đông A và Trường Đông B với quy mô 9,6 hecta, thu nhập bình quân hàng năm gần 13/tấn/hecta. Sau thời gian hoạt động, đến ngày 31/8/2023 đã nhân rộng thêm được 07 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng trên địa bàn. Năm 2023, có 130 hecta cho trái với tổng sản lượng gần 2.470 tấn, tổng doanh thu 128,44 tỷ đồng, bình quân thu nhập 988 triệu đồng/ha/năm.

Tổ hợp tác được Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp giải ngân 9 dự án “chăm sóc vườn sầu riêng” trên địa bàn xã Tân Thới cho 57 hội viên vay, với tổng số tiền là 1,787 tỷ đồng. Các dự án “chăm sóc vườn sầu riêng” trên địa bàn xã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, từ 500 - 800 triệu đồng/ha/năm.

Nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, Tổ hợp tác được sự quan tâm của Thường trực Đảng ủy, UBND cũng như sự chỉ đạo của Ban chấp hành Hội Nông dân xã Tân Thới về định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ngoài ra, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của TP, Chi cục phát triển nông thôn Cần Thơ mở 6 lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng cho 162 hội viên nông dân; mở các lớp về kỹ thuật trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, quảng bá và phát triển nhãn hiệu hàng hoá sầu riêng Tân Thới cho 120 hội viên tham gia.

Hội Nông dân xã vận động hội viên xây dựng nhãn hiệu tập thể sầu riêng Tân Thới và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Tân Thới, Phong Điền, Cần Thơ” vào ngày 01/10/2019. Năm 2022, Hội Nông dân xã đã chọn Tổ hợp tác sản xuất Sầu Riêng Tân Thới làm chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP sầu riêng Tân Thới đạt tiêu chuẩn 4 sao và đã được UBND thành phố Cần Thơ công nhận.

Hội Nông dân xã Tân Thới cũng đã phối hợp với UBND xã Tân Thới liên kết với công ty TNHH Ngọc Minh Lạng Sơn, công ty xuất khẩu nông sản 3979 Tiền Giang xây dựng 05 mã số vùng trồng sầu riêng cho tất cả thành viêm tham gia Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới, với tổng diện tích là 137,9 hecta. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã làm nâng cao nhận thức từ trong cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân về ý thức chấp hành, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những phong trào do Hội Nông dân các cấp và địa phương phát động, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Điểm tựa giúp hội viên thoát nghèo

 Các thành viên Tổ hợp tác Đồng Tiến trên cánh đồng xã Đại Tâm. (Ảnh: TH)

Tổ hợp tác Đồng Tiến ấp Đại Chí, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng gồm có 19 thành viên (trong đó nam 15 thành viên, nữ 04 thành viên)---, Ban điều hành tổ hợp tác gồm có 05 thành viên: có 01 tổ trưởng, 01 tổ phó, 01 kế toán, 01 thủ quỹ và 01 thư ký. Ngành nghề sản xuất gồm Chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trồng lúa chất lượng cao, trồng màu đặc sản, dịch vụ tín dụng nội bộ.

Tổ hợp tác Đồng Tiến thành lập từ năm 2004, là tổ hợp tác đầu tiên của xã; tổ hợp tác có 11 thành viên, trong đó chỉ có một hộ giàu, hai hộ khá còn lại có 8 hộ nghèo, cận nghèo. Trước đây, khi chưa tham gia vào Tổ hợp tác, các hộ dân chủ yếu thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật của các thành viên vào sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, hiệu quả, năng suất không cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Thực hiện nghị quyết Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và kế hoạch của Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm, Ban điều hành tổ hợp tác Đồng Tiến cùng các thành viên đã bàn bạc, tìm hiểu tìm ra các nhiệm vụ nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây, con giống vào sản xuất.

Cụ thể, với cây lúa từ giống lúa OM cho năng suất thấp, dễ đổ ngã, nhiễm bệnh, chất lượng gạo kém chuyển sang trồng lúa ST5, ST24, ST25, là giống xác nhận cho nâng suất cao, ít bệnh, gạo thơm ngon, giá cao hơn từ 20% các giống lúa khác và ký liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp. Với cây màu từ trồng màu nhỏ lẻ nhiều chủng loại chủ yếu tiêu thụ ở địa phương không ổn định, giá thành thấp, các thành viên chuyển sang trồng hẹ bông xen với trồng ớt chỉ thiên trên cùng diện tích đã góp phần tăng năng suất, hẹ bông là đặc sản của xã đã liên kết bán đi các tỉnh, góp phần tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, nâng cao giá trị hàng hóa. Với chăn nuôi giống bò vàng nuôi thịt tại địa phương cho năng suất thấp đã được Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay chuyển đổi sang bò sin cho giá trị tăng thêm 30% so giống địa phương.

Bên cạnh đó, các thành viên của Tổ hợp tác còn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện dự án hỗ trợ bò sữa cùng giống cỏ VA06; đồng thời tổ chức cho các thành viên đi tham quan học tập kinh nghiệm ở tỉnh Bình Dương về chăn nuôi bò sữa đã giúp cho đàn bò sữa của các thành viên đạt năng suất và chất lượng sữa cao hơn trước.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn góp của tổ hợp tác xét cho vay những hộ khó khăn theo thời vụ với lãi suất 1% tháng, với cách làm hỗ trợ vốn vay chặt chẽ và có phân công thành viên giúp đỡ về kỹ thuật trong thực hiện mô hình góp phần đảm bảo nguồn vốn vay đạt hiệu quả, thành viên phát triển kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, tổ hợp tác Đồng Tiến không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; diện tích trồng lúa chất lượng cao 15,5 ha, diện tích trồng màu gồm hẹ bông xen ớt chỉ thiên 2,5 ha; diện tích trồng cỏ VA06 1,7 ha; đàn bò sữa 70 con, đàn bò thịt 20 con; tổng vốn góp 339.874.000 đồng, trong đó gửi ngân hàng 220.000.000 đồng, phát vay 14 thành viên 105.600.000 đồng, quỹ tiền mặt hoạt động thường xuyên 14.274.000 đồng.

Được biết hiện, địa bàn xã Đại Tâm có 1 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác (07 tổ hợp tác nuôi bò sữa, 05 tổ hợp tác trồng lúa, 03 tổ hợp tác trồng màu, 01 tổ hợp tác nuôi bò sin thịt) được nhân rộng từ Tổ hợp tác Đồng Tiến. Mô hình Tổ hợp tác Đồng Tiến hiện tiếp tục được các địa phương đến tham quan, tìm hiểu học tập, nhân rộng. Đây là một trong những mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2010-2023 của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực